Tổng thư ký NATO: Đừng lo về hợp tác quân sự Trung - Thổ

ANTĐ - Đứng trước rất nhiều thông tin về việc Trung Quốc giành được gói thầu cung cấp hệ thống phòng không HQ-9 cho Thổ Nhĩ Kỳ, mới đây, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã tuyên bố không có gì phải lo lắng.

Ngày 11-10, trang mạng “Tiếng nói nước Nga” đã có bài phỏng vấn Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen. Ông này biểu thị thái độ không hề lo lắng về vấn đề Trung Quốc bán các hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 cho Thổ Nhĩ Kỳ và viễn cảnh Ankara bắt tay Bắc Kinh, hợp tác chế tạo hệ thống tên lửa phòng không này.

Tổng thư ký Rasmussen cho biết, những tuyên bố vừa qua chưa phải là quyết định cuối cùng của các nhà lãnh đạo cao cấp nhất Thổ Nhĩ Kỳ, hiện đây mới chỉ dừng lại ở cấp độ thỏa thuận chứ không phải là hợp đồng chính thức.

Theo thông tin trước đó, Tổng công ty xuất khẩu cơ khí chính xác Trung Quốc đã giành được hợp đồng cung ứng và sản xuất các hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 cho Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời còn có các điều khoản chuyển giao công nghệ và hợp tác sản xuất với ngành công nghiệp quốc phòng nước này.

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen khẳng định, kết cấu của NATO nhấn mạnh đến khả năng bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng, giữa các lực lượng quân đội các nước với nhau và giữa các loại vũ khí, trang bị trong một chỉnh thể đồng nhất, không dễ để một hệ thống khác loại có thể hoạt động bình thường trong khuôn khổ này.

Vừa qua, hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc đã vượt qua hệ thống phòng không S-300 của Nga, Patriot của Mỹ và Aster-30 của châu Âu để giành được gói thầu trị giá 4 tỷ USD của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ. Thắng lợi bất ngờ của HQ-9 đã khiến các chuyên gia quân sự Mỹ và NATO rất bất ngờ.

Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc

Trong thời gian qua đã có nhiều quan chức và chuyên gia quân sự cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ là NATO sẽ không cho phép HQ-9 kết nối số liệu với các hệ thống phòng không Patriot của NATO, thậm chí có người còn chỉ ra khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị cô lập về quân sự, thậm chí là chính trị trong nội khối NATO nếu Ankara vẫn cương quyết ký hợp đồng và bắt tay hợp tác với Bắc Kinh.

Một số chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ còn đưa ra phân tích là, Ankara mua HQ-9 để sử dụng cho một cuộc chiến tranh trong tương lai với Tel Avip. Trong tình huống đó, nhiều phần là Washington sẽ bênh vực Tel Avip, ngăn chặn các hệ thống phòng không Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu Israel nên họ muốn có một hệ thống phòng không độc lập, không chịu sự chi phối của bất cứ thế lực nào.

Tuy nhiên, cũng có chuyên gia dự đoán, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thực sự muốn mua HQ-9, mà đây chỉ là đòn gió của Ankara cảnh cáo Mỹ về vấn đề mấy lần họ đề nghị mua các vũ khí tiên tiến như máy bay chiến đấu F-22, UCAV MQ-1 Predator… nhưng Quốc hội Mỹ không đồng ý.

Tuy nhiên, với phát biểu của quan chức cao cấp nhất của NATO, khả năng Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương chấp nhận cho HQ-9 kết nối vào hệ thống phòng không của khối này là không tưởng. Người Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước những quyết định rất khó khăn, có ảnh hưởng lớn đến chiến lược quân sự và định hướng chính trị của họ.