Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với văn học nghệ thuật Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đất nước Việt Nam trải qua hơn bốn ngàn năm lịch sử, với bao biến đổi, thăng trầm đã tạo ra, tích lũy và phát huy vô vàn giá trị, bản sắc văn hóa riêng của dân tộc Việt, làm nên hồn cốt của dân tộc Việt, đồng thời tiếp thu và đóng góp quan trọng vào nền văn hóa chung của nhân loại.

Lịch sử đã chứng minh, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ, luôn quan tâm đến việc xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Đường lối văn hóa của Đảng qua các giai đoạn lịch sử đã định hướng cho sự phát triển của văn hóa, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ qua từng giai đoạn cách mạng, có tác động tích cực và sâu rộng đến mọi phương diện của đời sống xã hội và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Từ những ngày đầu mới thành lập và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định ba mặt trận rất quan trọng của cách mạng là chính trị, kinh tế và văn hóa. Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng đã xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam “đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới” với ba nguyên tắc vận động quần chúng là “Dân tộc hóa”, “Đại chúng hóa” và “Khoa học hóa”.

Tại các Hội nghị Văn hóa toàn quốc (lần I, II) và các cuộc triển lãm văn học – nghệ thuật, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò của văn hóa và trọng trách của người làm công tác quản lý văn hóa đối với việc tạo nên sức mạnh cho cuộc kháng chiến, lưu giữ các giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc, việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới v.v… là cực kỳ tiên quyết. Từ đó, Người đã đúc rút thành một kết luận ngắn gọn, cô đọng: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.

Năm 1992, Việt Nam cùng 178 quốc gia đã tham gia ký cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 21 về phát triển bền vững, nhưng trước đó, từ năm 1991, Văn kiện Đại hội lần thứ VII của Đảng đã xác định: Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa và bảo vệ môi trường. Cũng trong thập niên đó, vào năm 1998, Đảng ta đã có một nghị quyết riêng về văn hóa – Nghị quyết TW 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Nghị quyết này lần đầu tiên xác định vai trò của văn hóa đối với phát triển đất nước: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Các tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển văn hóa đã trở thành “ngọn đuốc sáng”, “kim chỉ nam” cho việc xây dựng các chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong những giai đoạn về sau, trong đó đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa VIII, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước, đến năm 2014 dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Trung ương đã tiếp tục có một Nghị quyết mới (Nghị quyết TW 9 khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".

Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Phát triển kinh tế phải hướng đến giá trị chân – thiện – mỹ nhằm mục tiêu tối thượng là phục vụ đời sống của con người Việt Nam; văn hóa cần được khai thác như động lực nội sinh quan trọng để phát triển kinh tế, phải được đặt ngang hàng và tương xứng với chính trị và kinh tế; văn hóa và kinh tế có sự tác động biện chứng với nhau, trong đó, kinh tế không thể phát triển nếu không có nền tảng văn hóa, đồng thời văn hóa không chỉ phản ánh kinh tế mà còn là nhân tố tác động đến sự phát triển kinh tế” (tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam 25/7/2023.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam 25/7/2023.

Cách đây vừa tròn một năm, trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn chỉ rõ: “Những thành tựu văn học nghệ thuật mà chúng ta đã đạt được trong những năm qua chưa thật tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước.Chất lượng chưa hài hòa với số lượng. Chưa có nhiều tác phẩm tạo được sự thu hút, sự quan tâm rộng lớn của công chúng và có sức lan toả làm rung động lòng người. Còn ít những tác phẩm đỉnh cao, những văn nghệ sĩ lớn”.

Để khắc phục những hạn chế này, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các văn nghệ sĩ cần cùng nhau trao đổi, thảo luận thẳng thắn, với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, "tự soi, tự sửa".

Trải qua nhiều cương vị công tác, qua các thời kỳ, những bài viết, bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng thể hiện tư duy sâu sắc, toàn diện, sự am hiểu tường tận của người đứng đầu Đảng ta về vai trò, vị trí đặc biệt của văn hóa, truyền thống lịch sử bao đời của dân tộc Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, của từng lĩnh vực sáng tạo văn hóa, văn học – nghệ thuật từ văn học, sân khấu, đến nhiếp ảnh, mỹ thuật.

Nói đến vai trò của văn hóa, hay cụ thể hơn văn học – nghệ thuật là “tiếng nói của tình cảm”, đồng chí chỉ rõ: “Mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật thật sự có giá trị phải có sức lay động công chúng, độc giả bằng trách nhiệm, tấm lòng, trái tim của người nghệ sĩ”. Bên cạnh tầm văn hóa, chiều sâu tư duy văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là con người văn hóa, đồng thời là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa của Đảng.

(Bài viết của Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam Trần Thị Thu Đông)