Tối thiểu... không đủ

ANTĐ - Đã có hai hội nghị được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại hai thành phố lớn nhất cả nước, Hà Nội và TP.HCM bàn về dự thảo phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng để áp dụng từ ngày 1-10-2011 cho cả doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài, sớm hơn ba tháng so với lộ trình.

Cùng với những biện pháp mạnh mẽ trong Nghị quyết 11 của Chính phủ, để đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, vấn đề đảm bảo mức tiền lương thực tế cho người lao động được đặt ra rất cấp bách.

Hầu hết các ý kiến đều nhất trí cần phải điều chỉnh lương tối thiểu. Song có hai vấn đề đặt ra phải tính toán cho kỹ lưỡng: Thời điểm điều chỉnh và mức độ điều chỉnh như thế nào? Nếu thời điểm điều chỉnh bắt đầu từ ngày 1-10-2011 có nghĩa là sớm hơn dự kiến đã đề ra trước đây khi mà lạm phát chưa xảy ra. Nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại vì chưa tính đến chuyện tăng lương, họ đã phải “gồng mình” đương đầu với hàng loạt khó khăn như giá vật tư, nhiên liệu, đầu vào thì tăng quá cao, còn đầu ra lại vừa nhỏ vừa hẹp. Trong khi đó, hàng tồn kho chất đống, thị trường bị bó hẹp, nguồn vốn kinh doanh bị thắt chặt. Trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” như vậy, nếu buộc phải tăng lương tối thiểu ngay trong năm nay, chắc chắn chi phí đầu vào của doanh nghiệp sẽ phải đội lên cao hơn, khó khăn chồng chất thêm, e rằng, nhiều doanh nghiệp khó chịu nổi gánh nặng oằn vai. Trong bối cảnh giá cả đắt đỏ, nhất là giá thực phẩm tăng cao như hiện nay, vấn đề bức thiết đối với người lao động là phải đảm bảo tiền lương thực tế. Muốn làm được điều này, không còn sự lựa chọn nào khác là tăng lương danh nghĩa thông qua điều chỉnh lương tối thiểu hoặc một số biện pháp khác như trợ cấp đắt đỏ “tức thời”. Do đó chi phí đầu vào về tiền lương sẽ dồn thêm sức ép lên các doanh nghiệp.

Thực ra, Chính phủ đã thấy rõ thực trạng này và đã tính đến những giải pháp nhằm chia sẻ và giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn đầy thách thức này. Chẳng hạn như phương án miễn, giảm, giãn thuế đối với doanh nghiệp đã được trình Quốc hội. Khó khăn thời lạm phát là khó khăn chung, cả Nhà nước, cả doanh nghiệp và cả người lao động cùng chia sẻ, chung lưng gánh vác. Trong đó, Nhà nước thể hiện tinh thần cảm thông, chia sẻ không chỉ với khó khăn của người lao động, mà cả với giới doanh nghiệp. Nhiều ý kiến của cơ sở lao động và công đoàn cho rằng, mức tăng lương tối thiểu như dự kiến là không đủ đảm bảo đời sống cho người lao động. Vì thế, Tổng liên đoàn Lao động kiến nghị, mức lương tối đa là 2 triệu 200 nghìn đồng (vùng 1) và tối thiểu là 1 triệu 600 nghìn đồng (vùng 4). Theo thông tin từ nhiều doanh nghiệp, hầu hết người lao động hiện đã có mức lương không chỉ cao hơn mức lương tối thiểu hiện hành, mà còn cao hơn mức lương tối thiểu dự kiến điều chỉnh. Như vậy, việc tăng lương tối thiểu sẽ chẳng thể đảm bảo được lương thực tế cho người lao động. Hơn thế, lương tối thiểu dự kiến tăng chỉ áp dụng ở khu vực doanh nghiệp, trong khi đó còn có lương tối thiểu áp dụng ở khu vực hành chính, sự nghiệp. Không lẽ Bộ LĐ-TB&XH lại “bỏ quên” những người lao động này?

Mức lương tối thiểu sẽ tăng còn cao hơn so với mức hiện hành mà vẫn không đủ đảm bảo đời sống thì biết xoay xở ra sao? Có lẽ cần xem lại cách đánh giá tiền lương tối thiểu vẫn chưa định lượng được khái niệm trừu tượng như “bù đắp sức lao động” và “tái sản xuất sức lao động”.