Tội phạm có yếu tố nước ngoài: Không để sót “đầu vào”

ANTĐ - Tội phạm có yếu tố nước ngoài đã và đang gây ra những bất ổn về ANTT trên địa bàn thành phố. Trước thực trạng trên, Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tích cực phối hợp phát hiện và xử lý các đối tượng người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam.

Lực lượng CSHS - CATP Hà Nội kiểm tra tài liệu liên quan đến hoạt động của tội phạm 

có yếu tố nước ngoài trên mạng máy tính

Chủ động đấu tranh

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc CATP, Phòng CSHS đã phối hợp với Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh (QLXNC) và công an các quận, huyện tập trung điều tra, làm rõ, bắt giữ xử lý nhiều đối tượng phạm tội có yếu tố nước ngoài hoạt động trên địa bàn. Mới đây, Phòng CSHS phối hợp với các đơn vị chức năng đã phát hiện, bắt giữ và khởi tố tạm giam 7 đối tượng mang các quốc tịch Trung Quốc và Malaysia sang Việt Nam để hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Mở rộng vụ án, cơ quan điều tra đã có căn cứ để áp dụng biện pháp nghiệp vụ đối với 8 đối tượng khác. Cũng trong thời gian này, lực lượng Chống tội phạm có yếu tố nước ngoài (TPCYTNN), Phòng CSHS - CATP Hà Nội cũng phát hiện và làm rõ nhóm tội phạm gốc Phi, đã lợi dụng công nghệ cao để xâm nhập vào hộp thư điện tử của các công ty, doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài để trộm cắp thông tin giao dịch làm ăn của họ. Tổ chức tội phạm này đã thực hiện trót lọt một số vụ lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. 

Theo Đại tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng CSHS - CATP Hà Nội, TPCYTNN chủ yếu nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch ở một số tuyến biên giới phía Bắc hoặc thông qua các tour du lịch ngắn hạn. Mức độ nguy hiểm của TPCYTNN ở chỗ các đối tượng hoạt động lưu động, không theo một quy luật nhất định nào và thường rút ngay sau khi gây án. Về góc độ nghiệp vụ rất khó quản lý, vì chúng không ăn ở thường xuyên trên địa bàn. Bên cạnh đó, sự bất đồng ngôn ngữ cũng gây không ít trở ngại trong công tác điều tra của cơ quan công an. Mặt khác, TPCYTNN thường lợi dụng sự mến khách của người dân Việt Nam, dễ tạo sơ hở để lợi dụng hoạt động, nhất là tại các khu vực công cộng như trung tâm thương mại, nơi vui chơi, giải trí... 

Bản ảnh các đối tượng người nước ngoài có dấu hiệu hoạt động phạm pháp hình sự ở Hà Nội

Bịt kín mọi sơ hở

Trong công tác đấu tranh phòng chống hoạt động của TPCYTNN, Phòng QLXNC - CATP Hà Nội đã phối hợp rất chặt chẽ với Phòng CSHS. Đại tá An Quốc Khánh, Trưởng phòng QLXNC cho biết: “Phòng QLXNC luôn phối hợp rất chặt chẽ với các đơn vị chức năng khác chủ động nắm chắc tình hình đối tượng, quản lý địa bàn, tạo cơ sở cho công tác phòng ngừa, đấu tranh với TPCYTNN. Chủ động phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế, xã hội, để tham mưu cho các cấp, ngành có biện pháp khắc phục, không để TPCYTNN lợi dụng hoạt động”. Tuy nhiên, công tác đấu tranh chống TPCYTNN vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm khi tiếp nhận thông tin xử lý và giải quyết vụ việc. Sự phối hợp điều tra giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan khác như Văn phòng Interpol, Cục Lãnh sự và Vụ Lễ tân, Bộ Ngoại giao chưa có cơ chế rõ ràng về thông tin, tận dụng yếu tố đối ngoại hoặc xử lý đặc thù. 

Trung tá Nguyễn Việt Hùng, Đội phó Đội Quản lý cư trú của người nước ngoài và kiểm tra xuất nhập cảnh đánh giá, hành lang pháp lý quy định giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến người nước ngoài còn nhiều tồn tại như trình tự tố tụng rườm rà, kéo dài. Chế tài chưa tương xứng hành vi vi phạm, hoặc chưa đủ sức răn đe nên hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa, xử lý tội phạm hình sự có yếu tố nước ngoài còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, tội phạm có yếu tố nước ngoài rất tinh vi. Nhiều đối tượng sau khi bị bắt quả tang hành vi phạm tội, nhất định không hé răng khai lấy nửa lời với cơ quan điều tra, mặc dù cơ quan điều tra đã mời người phiên dịch cùng tham gia lấy lời khai. Đồng tình với nhận xét nêu trên, Trung tá Nguyễn Hải Yến, Đội phó Đội Quản lý người nước ngoài, Phòng QLXNC cho rằng nhiều vụ người nước ngoài phạm tội có thể đưa ra truy tố trước pháp luật, nhưng vì những nguyên nhân chủ quan nêu trên, đã dẫn đến việc cơ quan chức năng chỉ thực hiện các biện pháp buộc xuất cảnh, cấm nhập cảnh. 

Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng ngừa TPCYTNN trên địa bàn, Đại tá Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng của CATP tăng cường những biện pháp phòng ngừa xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống TPCYTNN, qua đó nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật và tự phòng ngừa, tích cực tham gia tố giác tội phạm của nhân dân. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý hành chính để phòng ngừa, phát hiện TPCYTNN. Thực hiện nghiêm túc công tác quản lý cư trú, nhất là công tác quản lý người nước ngoài, chấn chỉnh kịp thời những vi phạm để phòng ngừa, ngăn chặn, bịt kín mọi sơ hở mà TPCYTNN có thể lợi dụng. Ngoài những biện pháp nêu trên, đồng chí Giám đốc CATP Hà Nội yêu cầu các đơn vị chức năng nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa CATP với các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an và các ngành nội chính (Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp), các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống TPCYTNN; Kịp thời đưa ra xét xử những vụ án trọng điểm nhằm răn đe, phòng ngừa chung.