Tội phạm chiếm đoạt tài sản: Liều lĩnh vì hình phạt nhẹ?

ANTĐ - Chỉ trong tháng 9 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử hàng chục vụ chiếm đoạt tài sản đặc biệt nghiêm trọng. Nhìn lại các vụ án, không ít người “giật mình” nhận thấy chính nạn nhân vô tình “tiếp tay” cho tội phạm.

Nguyễn Thị Họa My (bên phải) bị xét xử về tội lừa đảo


Bị hại cũng có lỗi

Điển hình là trường hợp của anh Trần Văn Tình, trú ở phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng. Sau nhiều năm tích cóp, anh Tình lên mạng internet tìm mua mảnh đất để ở. Thấy Nguyễn Hoàng Khôi (SN 1974, trú ở thôn Tựu Liệt, xã Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) rao bán hơn 40m2 đất tại địa chỉ đối tượng ở, anh Tình đã tìm đến xem xét và nhận lời mua với giá 17 triệu đồng/m2. Mặc dù nghe người bán nói đất do bố anh ta để lại (không lập di chúc), chưa có “sổ đỏ” và có tới 5 người trong diện thừa kế, nhưng anh Tình vẫn giao 700 triệu đồng đặt cọc. Nhận tiền bán đất, Khôi ăn tiêu hết rồi bàn với gia đình bán chính mảnh đất anh Tình đã mua cho người khác. Chỉ đến khi phát hiện “bỗng dưng” có ngôi nhà tọa lạc trên đất của mình, anh Tình mới biết mình bị lừa.

Táo tợn hơn, Nguyễn Thị Họa My (SN 1985, trú ở xã Đông Phong, Yên Phong, Bắc Ninh) còn dám bán cả đất của người khác. Tháng 4-2010, biết anh Nguyễn Thế Anh (trú ở thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc) có nhu cầu đầu tư bất động sản tại Hà Nội, ả hẹn gặp và đưa anh này cùng một người bạn đi xem đất. Tại khu vực đất giãn dân thuộc xã Kim Chung, Hoài Đức, My chỉ bừa vào 2 lô đất, đồng thời nói rằng đó là đất của mình và người quen đang cần bán. Sau khi nhận tiền bán gần chục lô đất cho anh Thế Anh và bạn anh này, My đã nhờ “bạn trai” làm giả hàng loạt “sổ đỏ” tương ứng. Vụ án chỉ được phanh phui khi 2 nhà đầu tư chuyển nhượng một trong những lô đất “ma” cho người khác. Thực hiện phi vụ lừa đảo, Nguyễn Thị Họa My đã chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng của các bị hại.

Với hành vi chiếm đoạt tài sản đặc biệt nghiêm trọng, cả 2 kẻ lừa đảo đã bị TAND TP Hà Nội xử phạt đích đáng. Tuy nhiên theo luật sư Nguyễn Quang Tiến (Công ty TNHH Luật Bảo Thiên - Đoàn Luật sư TP Hà Nội), không chỉ ở những vụ án trên mà hầu hết các vụ lừa đảo về nhà đất, lỗi trước hết thuộc về phía bị hại. Đơn cử là trường hợp của anh Tình. Trước khi giao tiền mua đất, anh này đã không gặp gỡ những người có quyền lợi liên quan. Cho dù Nguyễn Hoàng Khôi không lừa đảo thì chưa chắc anh Tình đã mua được đất nếu một trong những người có quyền thừa kế không đồng ý. Ở vụ án đó, người mua thứ 2 đã làm việc này, đồng thời làm hợp đồng mua bán theo đúng quy định nên không bị lừa và được pháp luật công nhận. Trường hợp của anh Nguyễn Thế Anh cũng vậy. Nguyễn Thị Họa My bảo rằng đất bán thuộc các dự án giãn dân nhưng nhà đầu tư không hề có động thái kiểm tra tính pháp lý về những lô đất mà chỉ tin vào lời đối tượng. Luật sư Tiến cho rằng chính sự thiếu hiểu biết và chủ quan của bị hại đã tạo điều kiện cho loại tội phạm này có “đất sống”.

Khó lấy lại tài sản

Từng xét xử nhiều vụ án về tội lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, một thẩm phán TAND TP Hà Nội vẫn lắc đầu ngao ngán khi nói về vấn đề thi hành án dân sự trong các vụ án đó. Theo vị thẩm phán này, phải tố những đối tượng lừa đảo ra trước vành móng ngựa luôn là điều bất đắc dĩ đối với các nạn nhân. Bởi trong thực tế rất nhiều vụ án chiếm đoạt tài sản vốn chỉ xuất phát từ mối quan hệ vay mượn tiền bạc hoặc hợp tác làm ăn. Ngay cả khi ra tòa thì vấn đề quan trọng nhất đối với các bị hại chính là làm sao để lấy lại được tài sản của mình từ phía bị cáo. Tuy nhiên, điều này chẳng dễ dàng gì, thậm chí là gần như không thể.

Còn nhớ mới đây, vợ chồng ông Vũ Việt Hùng (ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) đến dự phiên tòa xét xử bị cáo Đỗ Thị Thu Hằng (SN 1977, trú tại xã Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với tư cách là 1 trong 3 người bị hại.

Trong quá trình làm xây dựng, Hằng cùng chồng nhiều lần vay tiền của đôi vợ chồng già này. Ngày 28-11-2008, chốt nợ, vợ chồng Hằng còn thiếu hơn 1,2 tỷ đồng nên đã viết giấy gán nhà cho vợ chồng ông Hùng, nhưng sau đó lại bán nhà cho người khác. Bày tỏ yêu cầu tại phiên xử, ông Hùng cứ “vật nài” vợ chồng bị cáo nhanh chóng thu xếp trả lại tiền “dưỡng già” cho vợ chồng ông. Đáp lại, bị cáo chỉ khóc lóc thanh minh cảnh ngộ và hứa khi nào ra tù có tiền sẽ hoàn trả đầy đủ. Thực tế, khi bị đưa ra xét xử, “tài sản” duy nhất mà Hằng còn lại chính là 3 đứa con nhỏ đang gửi người khác nuôi dưỡng. Chồng bị cáo, kẻ giữ vai trò chính trong vụ án thì đang bị truy nã... Kết thúc phiên tòa, Đỗ Thị Thu Hằng bị tuyên phạt 16 năm tù giam. Cùng vợ ra về, ông Hùng cứ lẩm bẩm mãi: “Chẳng biết có đợi được đến ngày vợ chồng nó trả tiền không nữa”!?

Bàn về vấn đề thi hành án dân sự trong các vụ án hình sự, một số luật sư cho rằng ngoài yếu tố khách quan do bị cáo thực sự không còn khả năng thì không ít đối tượng cố tình tẩu tán hết tài sản và sẵn sàng chấp nhận bị phạt tù. Ngoài ra còn là do trình tự, thủ tục để bị hại lấy lại được tài sản vô cùng phức tạp, khó khăn. Lý giải tình trạng tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ngày càng liều lĩnh, táo tợn và đặc biệt nghiêm trọng, nhiều người cho rằng vì pháp luật không còn duy trì án tử hình đối với loại tội phạm này.