Tội ác vượt xa sự hủy hoại bên ngoài

ANTĐ - Gặp nạn nhân bị tạt a-xít, ai nấy đều giật mình, kinh hãi vì khuôn mặt xù xì, biến dạng của nhân vật đối diện. Người bình tĩnh, hiểu chuyện thì thương cảm, xót xa. Nhưng cũng có người “yếu bóng vía” lại xa lánh họ.  

Nạn nhân trong một vụ án tạt a-xít gần đây

Những vụ án đau lòng

Trong số những thủ phạm sử dụng a-xít gây án gần đây, cái tên Trần Thị Hiệp (SN 1986, trú ở xã Mỹ Thái, Lạng Giang, Bắc Giang) luôn được mọi người nhắc đến. Một ngày đầu tháng 6, anh Nguyễn Văn Chỉnh (chồng Hiệp) đứng chờ xe buýt tại đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy thì bất ngờ bị chính người vợ của mình xách xô a-xít lao tới hắt vào người. Gây án xong, đối tượng nhảy lên xe máy tẩu thoát. Còn anh Chỉnh thì đau đớn kêu cứu, do bị a-xít gây bỏng rát ở vùng mặt, cổ. Ngoài nạn nhân chính, hai người chẳng hề liên quan đến Hiệp cũng bị vạ lây. 

Thời điểm gây án, Hiệp và anh Chỉnh mới chỉ là vợ chồng được gần 3 năm. Nhưng trong khoảng thời gian chung sống ngắn ngủi ấy, Hiệp luôn ngờ vực chồng không chung thủy. Hiệp từng nhiều lần khiến cả gia đình nhà chồng hoảng hồn vì thói ghen tuông bệnh hoạn và lối cư xử bạo lực. Mới đây, giữa lúc anh Chỉnh làm thủ tục ly hôn thì Hiệp vẫn tiếp tục theo dõi, hòng bắt quả tang chuyện tình cảm bất chính của chồng. Một lần đi rình mò, Hiệp làm quen Trương Như Lập (SN 1977), trú ở Phú Diễn, Từ Liêm. Hưởng ứng đòn “xử” chồng bằng a-xít của người đàn bà gian ác, 20h ngày 1-6,  Lập chở Hiệp đến địa bàn Cầu Giấy để gây ra vụ án đau lòng này. 

Cùng là nạn nhân của a-xít, nhưng vợ chồng chị Phạm Thị Thanh Xuân (SN 1977) và anh Nguyễn Quốc Tuấn (SN 1974), ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh còn đau đớn hơn. Ngày 18-1-2012, gia đình chị Xuân bất ngờ bị Lâm Tiến Dũng (SN 1964, hàng xóm) chạy sang dùng a-xít tấn công. Hậu quả, anh Tuấn bị hỏng hoàn toàn đôi mắt và bỏng phần lớn cơ thể. Chị Xuân tuy bị dính a-xít ít hơn, nhưng cũng bỏng tới 65% cơ thể, bé Nguyễn Quốc Huy Bảo (SN 2008, con trai chị Xuân) thì bị bỏng 50%, tập trung chủ yếu ở vùng mặt. Hiện, hậu quả vụ tạt a-xít đối với gia đình chị Xuân vẫn hết sức nặng nề, khiến bất kỳ ai có dịp gặp họ đều không khỏi giật mình, xót xa. Oái ăm thay, hung thủ gây ra vụ tạt a-xít kinh hoàng đó bị mắc bệnh tâm thần. 

Đâu chỉ là gây thương tích

Nhìn nhận những vụ án liên quan đến a-xít, luật sư Nguyễn Thân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng rất khó quy kết các đối tượng gây án theo tội giết người, trừ khi hậu quả chết người xảy ra tức khắc. Đối với những trường hợp bị tổn hại sức khỏe nhất định, thậm chí là lên đến 80 – 90% thì cũng không thể áp dụng tội giết người đối với hung thủ. Hầu hết các vụ “xử” nhau bằng a-xít đều chỉ bị đưa ra phán xét về tội “Cố ý gây thương tích”, theo Điều 104-BLHS.  

Luật sư Nguyễn Thân phân tích, xét về khả năng gây sát thương, loại dung dịch này thường không dẫn tới hậu quả chết người. Về mặt khách quan của tội phạm, hành vi hắt a-xít vào nạn nhân chỉ gây thương tích với một tỉ lệ nhất định. Tiếp đến, ý thức chủ quan của loại tội phạm dùng a-xít gây án luôn thể hiện rõ là chỉ nhằm “dằn mặt” và gây thương tích cho nạn nhân. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất của tội phạm sử dụng dung dịch nguy hiểm gây án so với việc dùng dao, kiếm, gậy gộc là ở chỗ, trước khi ra tay, đối tượng thực hiện thường có sự chuẩn bị, tính toán rất kỹ lưỡng, sau đó mới tấn công. Nếu phạm tội từ hai đối tượng trở lên, trước hết phạm vào điểm e, khoản 1, Điều 104 - có tổ chức. 

Cũng theo luật sư Thân, đối với tội phạm dùng a-xít gây án, quá trình truy tố, xét xử nhất thiết phải áp dụng các tình tiết tăng nặng, đồng thời phải tuyên phạt mức án cao nhất trong khung hình phạt. Lý do bởi, loại tội phạm này cùng lúc đã xâm hại tới hai khách thể. Đó là sức khỏe và tính thẩm mỹ, hình dạng bên ngoài của nạn nhân. Vậy nhưng ở góc độ luật pháp, khách thể thứ hai (làm xấu đi dung mạo nạn nhân) vẫn chưa chính thức được thừa nhận. “Giả sử người bị tấn công bằng a-xít là ca sĩ, diễn viên, người mẫu thì rõ ràng ngoài thiệt hại về sức khỏe, họ còn có thể bị tiêu tan cả sự nghiệp. Và ngay cả một người bình thường cũng sẽ gặp rất nhiều phiền toái sau khi bị làm hại” - luật sư Thân dẫn chứng. Ông cho rằng, BLHS sửa đổi tới đây cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể hơn trong việc xử lý tội phạm dùng a-xít.

Thẩm phán Tạ Phú Cường – TAND TP Hà Nội chia sẻ, hầu hết các vụ án dùng a-xít cũng chỉ bị áp dụng tội “Cố ý gây thương tích”. Bởi lẽ quá trình xem xét, tòa án luôn nhìn nhận, đánh giá các tình tiết liên quan đến toàn bộ hành vi phạm tội. Qua đó thường thấy, đa phần chỉ thỏa mãn tội danh về xâm hại sức khỏe. Mặc dù vậy, khi quyết định hình phạt HĐXX thường cân nhắc tới hậu quả dai dẳng, nặng nề mà nạn nhân phải gánh chịu. Thẩm phán Cường cũng cho rằng đã đến lúc cần có một hướng dẫn chi tiết hơn đối với loại tội phạm dùng a-xít gây án nhằm nhất quán về đường lối xét xử, đồng thời tránh hiện tượng “du di”, đánh đồng các hành vi được quy kết cùng một tội danh.