Tội ác từ một sự thờ ơ

ANTĐ - Cho dù đại diện của 175 nước đã đặt bút ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu song thế giới vẫn đang đứng trước thách thức, nguy cơ lớn về biến đổi khí hậu khi mà tỷ lệ lớn giới đầu tư toàn cầu vẫn chưa quan tâm tới hiểm họa này.

Tội ác từ một sự thờ ơ ảnh 1Việc giới đầu tư lớn chưa quan tâm thích đáng tới vấn đề biến đổi khí hậu sẽ khiến người dân toàn cầu phải trả giá đắt

Tổ chức phi lợi nhuận AODP ngày 2-5 công bố một báo cáo mới cho thấy, gần 50% trong số hơn 500 nhà đầu tư hàng đầu trên thế giới hiện vẫn còn thờ ơ với vấn đề biến đổi khí hậu khi tiến hành các hoạt động đầu tư. Theo nghiên cứu của AODP, số lượng các nhà đầu tư hàng đầu trên toàn thế giới có những bước đi cụ thể nhằm giảm thiểu tình trạng nóng lên toàn cầu hiện chưa đến 20%, tức là chỉ tương đương với 97 nhà đầu tư có tổng tài sản nắm giữ khoảng 9,4 nghìn tỷ USD.

Trong khi đó, hiện mới chỉ có 157 nhà đầu tư hàng đầu trên thế giới với tổng tài sản khoảng 14,2 nghìn tỷ USD đang “rục rịch” lên kế hoạch đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào xem xét khi xúc tiến hoạt động đầu tư. Rất đáng quan tâm, theo AODP, vẫn còn có tới 264 nhà đầu tư còn lại hoàn toàn không có động thái gì cho thấy họ quan tâm tới vấn đề nóng bỏng toàn cầu hiện nay này. 

Vì thế, Giám đốc AODP Julian Poulter đã bày tỏ quan ngại sâu sắc khi báo cáo được công bố. Ông Poulter cho rằng, rất đáng báo động trong khi nhiều tổ chức đầu tư lớn còn chưa quan tâm tới vấn đề biến đổi khí hậu để có những tiến bộ rõ rệt trong hành động năm vừa qua thì hiện vẫn có tới gần 50% nhà đầu tư cá nhân hàng đầu thế giới không thèm đả động gì tới các giải pháp giảm thiểu nguy cơ gây biến đổi khí hậu. 

Báo cáo nghiên cứu của AODP được đưa ra sau khi 175 quốc gia, trong đó có những nước phát thải nhiều khí thải như Mỹ và Trung Quốc, đã cùng ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào ngày 22-4 vừa qua tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. 175 nước cùng cam kết kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu trong thế kỷ 21 không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp những năm 1850, đồng thời huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Phải rất khó khăn cộng đồng quốc tế mới có thể đi đến Hiệp định Paris để ràng buộc trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới, song cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ có thể không đi tới cái đích cuối cùng là kiềm chế nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C nếu không có sự vào cuộc và tham gia tích cực của giới đầu tư toàn cầu, đặc biệt là các “ông lớn”.

Tập đoàn dầu khí khổng lồ ExxonMobil dự báo, nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu sẽ tăng 25% từ nay tới năm 2040 để đáp ứng nhu cầu sử dụng của 9 tỷ người, trong đó 2 nguồn năng lượng phổ biến nhất vẫn là dầu mỏ và than đá.

Dù thừa biết các ngành sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng cũng như sử dụng các nguồn năng lượng từ dầu mỏ và than đá là “thủ phạm” chính thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính làm Trái đất nóng lên, nhưng các nhà đầu tư thế giới chưa muốn chuyển sang nền kinh tế Xanh bởi tốn kém hơn nhiều.

Do đó sự thờ ơ xuất phát từ lợi ích của các nhà đầu tư trên thế giới có thể là một tội ác vì biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng tới môi trường và cả cuộc sống con người khi khiến các hiện tượng thời tiết như lũ lụt, hạn hán, ô nhiễm ngày càng cực đoan, đồng thời đẩy thêm hàng trăm triệu người vào cảnh nghèo đói, bệnh tật.