“Toàn tài” hay “toàn tai”?
(ANTĐ) - “Những học sinh hư vẫn có những tiềm năng ẩn trong mình, cần phải… đánh cho tiềm năng đó bật ra”, phương pháp giáo dục “phản truyền thống” khiến ai nghe thấy cũng phải giật mình. Cũng với ý tưởng đó nên “tuyên ngôn” của những kẻ bệnh hoạn này là “yêu cho roi cho vọt”.
>>> “Toàn tài” hay “toàn tai”? Kỳ I
Khu trại tập trung
Ngô Vĩnh Kinh, người sáng lập Trường Giáo dục toàn tài phản truyền thống |
Cơ sở huấn luyện giáo dục toàn tài phản truyền thống nằm trong một nông trang ở tổ 9 thôn Ngũ Cân Tùng, một nơi cực kỳ hoang vắng, chỉ có đường độc đạo ra thị trấn Trung Hưng, huyện Trung Giang, Tứ Xuyên. Cho tới tận khi một sinh viên đã tốt nghiệp đến đây tham gia khóa huấn luyện “trải nghiệm cuộc sống” bị chết đuối, người dân mới biết trong nông trang đó còn có một “trường học”. Người phụ trách cơ sở là “thầy giáo” Đường Cánh Thành, ngoài 20 tuổi, tốt nghiệp đại học sư phạm, từng dạy tiểu học ở huyện Trung Giang, sau khi xin nghỉ việc đến Thành Đô không rõ làm gì.
Theo lời kể của một người dân thôn, tháng 2-2009, Cánh Thành về quê, mang theo mấy đứa trẻ hơn 10 tuổi, mở trường ngay trong sân nhà mình. Căn nhà khép kín 4 mặt kiểu cổ rộng 200m2 bỗng biến thành “cơ sở giáo dục tiên tiến” với cơ sở vật chất là một bàn bóng, mấy gian buồng vách đất đầy cỏ rác được dùng làm “ký túc xá”. “Trường” đã qua mấy khóa học sinh mà không ai biết, tất cả đều do Ngô Vĩnh Kinh đưa đến, còn việc quản lý huấn luyện thuộc quyền “thầy giáo” Đường. Mẹ Đường Cánh Vinh là nhân viên duy nhất của trường – người lo phần hậu cần cho biết, sở dĩ các học sinh khác đánh Lượng Lượng dã man là do em bỏ trốn, chúng phải đuổi theo hơn 1km theo lệnh của thầy mới bắt được nên tìm cách trả thù.
Sau khi giải tán “trường bồi dưỡng” đồng thời tạm giữ hình sự Đường Cánh Thành, cơ quan điều tra được biết cơ sở do Ngô Vĩnh Kinh, người sáng lập mô hình Trường giáo dục toàn tài phản truyền thống làm đại diện pháp nhân. Khi được hỏi, Ngô Vĩnh Kinh khẳng định Đường Cánh Thành vốn là một giáo viên của mình nhưng đã tách ra làm riêng nên không liên quan.
Thực chất của giáo dục “phản truyền thống”
Trên trang web http://www.chasheng.cn, http://www.dongdianjunxiao.com, Ngô Vĩnh Kinh giới thiệu về trường Giáo dục toàn tài phản truyền thống với những nội dung cực kỳ hấp dẫn bất kỳ bậc phụ huynh nào: Nhiều trường học dùng mọi cách cũng không thể nào tiếp cận được với tâm hồn học sinh, cuối cùng đành cưỡng ép, nhồi nhét học sinh bằng sách giáo khoa, khiến sự chán ghét sách vở của chúng càng nghiêm trọng. Vì vậy, chỉ khi kết hợp giáo dục tâm hồn, giáo dục hành động với giáo dục rèn luyện, giáo dục vui vẻ, thêm vào đó có sự liên hệ 100% giữa phụ huynh và nhà trường, mới giải quyết mọi vấn đề tồn tại trong trường học”.
Mục đích của trường Giáo dục toàn tài phản truyền thống được ghi là: Phối hợp 100% với phụ huynh; thay đổi phương pháp tư duy của học sinh; giúp học sinh tự chủ trong mọi việc, có khả năng cạnh tranh để trở thành người toàn tài và có thuộc tính xã hội cao… Nguyên lý giáo dục của trường gồm 15 điểm, nổi bật là: Huấn luyện đặc biệt về sinh tồn trong xã hội tự nhiên; phát hiện và khơi dậy tiềm năng; sự đau khổ giúp con người tiến bộ; cho phép phạm sai lầm lớn, không cho phép phạm lỗi nhỏ...
Sau khi vụ án xảy ra, nhiều người đã tìm đến trụ sở chính của trường Giáo dục toàn tài phản truyền thống ở Thành Đô. Cửa luôn đóng kín, nhưng qua cửa sổ người ta có thể nhìn thấy khẩu hiệu được dán bên trong “Thương cho roi cho vọt...”. Liên lạc với Ngô Vĩnh Kinh, ông ta cho biết chỉ trả lời phỏng vấn qua điện thoại. Ngô Vĩnh Kinh khẳng định mình đã chuyển quyền đại diện pháp nhân cho Đường Cánh Thành.
Về vụ việc xảy ra, ông ta nói: “Giáo dục trừng phạt thể xác có những hạn độ nhất định của nó và Đường Cánh Thành đã không hiểu rõ được hạn độ này nên mới làm sai”. Được biết, hiện cơ quan chấp pháp Trung Quốc vẫn đang điều tra xác minh mối quan hệ giữa Ngô Vĩnh Kinh và Đường Cánh Thành để truy cứu trách nhiệm cụ thể.
Bảo Trâm
(Theo Sina)