Toàn cảnh tiến độ cải tạo chung cư cũ ở Thủ đô: Để ước mơ thành hiện thực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau nhiều năm chờ đợi, người dân sống tại các chung cư cũ ở Thủ đô đang rất kỳ vọng vào kế hoạch và quyết tâm của các sở, ngành Hà Nội, để ước mơ có một mái ấm khang trang, an toàn không còn là… trên giấy.

Tiến độ di dân khỏi các chung cư nguy hiểm cấp D

Theo thống kê đến năm 2020, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ (nhiều nhất cả nước). Đến nay con số này vẫn đang được tiếp tục rà soát, cập nhật và có thể tăng lên. Chung cư cũ chủ yếu tập trung ở các quận nội thành, quy mô thường từ 2 - 6 tầng, ngoài ra còn có một số chung cư đơn lẻ phân bố rải rác trên địa bàn các quận trung tâm.

Đơn nguyên 3, nhà C8 khu tập thể Giảng Võ được kiểm định chất lượng xác định cấp độ D

Đơn nguyên 3, nhà C8 khu tập thể Giảng Võ được kiểm định chất lượng xác định cấp độ D

Theo UBND TP Hà Nội, hầu hết các chung cũ này đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp, hư hỏng, có nguy cơ sụp đổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản nhân dân. Do vậy cần thiết phải kiểm định, đồng thời có kế hoạch đầu tư xây dựng lại. Tại Kế hoạch số 335/KH-UBND ngày 31-12-2021 về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội đợt 1, UBND TP xác định sẽ cải tạo, xây dựng lại 6 khu chung cư, nhà chung cư nguy hiểm cấp D trong giai đoạn 2021-2025 và giao UBND các quận Ba Đình, Đống Đa hoàn thành di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D trong quý I-2022.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, với nhà chung cư nguy hiểm số 51 Huỳnh Thúc Kháng, ngày 28-3-2022, UBND quận Đống Đa đã di dời 1 tổ chức, 4/4 hộ dân còn lại đã nhận nhà tạm cư. Với 5 nhà chung cư cũ nguy hiểm trên địa bàn quận Ba Đình (gồm C8 Giảng Võ, G6A Thành Công, nhà A Ngọc Khánh, Tập thể Bộ Tư pháp, nhà 148-150 Sơn Tây), tổng số có 174 hộ dân phải di dời.

Đến hết quý I-2022, UBND quận Ba Đình di dời được 128/174 hộ dân về nhà tạm cư, còn 46 hộ chưa đồng thuận. Trong đó, có 1 hộ tại đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp; 3 hộ tại đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh; 3 hộ tại nhà 148-150 Sơn Tây; 16 hộ tại đơn nguyên 3 nhà C8 Giảng Võ; 23 hộ tại đơn nguyên 1, 2 nhà G6A Thành Công. Báo cáo của Sở Xây dựng cho biết, các hộ có ý kiến phải lựa chọn được chủ đầu tư và phương án bồi thường mới di dời. Trong khi đó, chính quyền địa phương vẫn đang tuyên truyền, vận động các hộ dân để thực hiện dự án.

Trong đề án, UBND TP Hà Nội đã giao UBND các quận Đống Đa, Ba Đình hoàn thành việc di dời các hộ dân ra khỏi chung cư nguy hiểm cấp D trong quý I-2022. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm 2022 nên UBND quận Ba Đình chưa hoàn thành theo tiến độ được giao. Hiện nay, UBND quận Ba Đình kiến nghị UBND TP lùi thời hạn di dời các hộ dân còn lại xong trong quý II-2022. UBND TP tiếp tục chỉ đạo UBND quận Ba Đình khẩn trương tuyên truyền, vận động các hộ dân di dời trong thời gian sớm nhất để thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư nguy hiểm cấp D nêu trên.

Nhà G6A khu tập thể Thành Công cũng thuộc diện nguy hiểm, tòa nhà đã bị tách rời

Nhà G6A khu tập thể Thành Công cũng thuộc diện nguy hiểm, tòa nhà đã bị tách rời

Người dân sống ở đâu lúc chờ chung cư cũ được cải tạo?

Hà Nội đã đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để thực hiện cải tạo chung cư cũ. Trong đó có đề cập về việc tạo lập quỹ nhà ở tạm thời (tạm cư). Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký Quyết định số 5289 về việc ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó, việc bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu trong thời gian thực hiện cải tạo xây dựng lại nhà chung cư phải được xác định rõ trong phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nhà ở tạm thời tuân thủ quy định tại Điều 23 Nghị định 69 của Chính phủ.

Việc lập quỹ nhà ở tạm thời sẽ sử dụng các quỹ nhà tái định cư có sẵn của thành phố; đầu tư xây dựng mới bằng vốn từ ngân sách hoặc từ quỹ đầu tư phát triển thành phố làm nhà ở tạm thời phục vụ GPMB dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Đề án cho biết, thành phố dự kiến đầu tư xây dựng tại 5 khu đất đã hoàn thành và đang triển khai công tác GPMB gồm: Khu đất xây dựng nhà ở tái định cư phục vụ GPMB khu di dân Đền Lừ III tại nhà CT4, CT5 quận Hoàng Mai; Khu đất 5.B1 khu Đông Hội, huyện Đông Anh; Khu đất tại điểm X1. phường Phú Thượng, quận Tây Hồ; Khu đất tại X2 Kim Chung, Đông Anh. Đồng thời, Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát các quỹ đất có khả năng đầu tư để làm quỹ nhà ở tạm thời; mua nhà ở thương mại làm nhà ở tạm thời; tuân thủ các hình thức tạo lập nhà ở tạm thời theo quy định tại Nghị định 69.

Đề án cũng đưa ra các quy định hình thức sẽ tái định cư như: Khi tại địa điểm cũ không xây dựng nhà chung cư mà xây dựng công trình khác; quy định đối với các chủ sở hữu tầng 1 có diện tích nhà kinh doanh; quy định các trường hợp chủ sở hữu không có nhu cầu tái định cư tại chỗ, quy định đối với trường hợp nhà riêng lẻ; quy định đối với nhà ở, công trình xây dựng thuộc sở hữu Nhà nước; quy định đối với trụ sở, nhà làm việc và các công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu hợp pháp của tổ chức…

Thu hồi nhiệm vụ với nhà đầu tư không tích cực triển khai

Tại cuộc họp xem xét về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố ngày 14-3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã chỉ đạo loạt giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Theo đó, với 14 dự án đầu tư đang triển khai (còn 3/11 dự án đầu tư chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500), UBND TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tiếp tục đôn đốc các đơn vị đang triển khai lập quy hoạch chi tiết tổng mặt bằng, khẩn trương phê duyệt theo quy định trên nguyên tắc nhiệm vụ chuyển tiếp; Sở Xây dựng tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các nhà đầu tư (chưa hoàn thiện các thủ tục dự án đầu tư) khẩn trương hoàn thiện thủ tục liên quan để sớm khởi công xây dựng trong năm 2022; đề xuất thu hồi nhiệm vụ với nhà đầu tư không tích cực triển khai...

Với các khu chung cư được UBND TP giao nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết trước đây, trong đó đã báo cáo ý tưởng quy hoạch 19 khu chung cư cũ, UBND TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, cùng Viện Quy hoạch xây dựng tiếp tục đánh giá, phân loại cụ thể 19 đồ án ý tưởng quy hoạch về khối lượng, chất lượng, sự phù hợp các quy hoạch, quy chế được duyệt và quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành. Trên cơ sở đó, tổ chức làm việc với các doanh nghiệp để ghi nhận, thống nhất lộ trình phối hợp nghiên cứu tiếp theo để góp ý bổ trợ cho quá trình nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ của thành phố; đề xuất phân loại các đồ án quy hoạch, có giải pháp để sớm hoàn thiện các đồ án, nhất là với đồ án đã được UBND thành phố phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết và đã lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, làm cơ sở sớm triển khai thủ tục lựa chọn chủ đầu tư theo quy định…

Thẩm định, phê duyệt quy hoạch theo 4 giai đoạn

Cuối năm 2021, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch 329/KH-UBND nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Theo đó, việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch được phân theo 4 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Dự kiến hoàn thành quý IV-2022, gồm các khu chung cư: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh (quận Ba Đình); Trung Tự, Kim Liên, Khương Thượng (quận Đống Đa); Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy); Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân).

Nhóm chung cư (khoảng 20% số nhóm chung cư cũ trên địa bàn thành phố) gồm: Tập thể C86 Kim Mã Thượng, tập thể Bộ Tư pháp (quận Ba Đình); tập thể 60 Thổ Quan (quận Đống Đa); tập thể Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn P16 Thụy Khuê; tập thể 254A+B Thụy Khuê; chung cư CT1A, CT1B thuộc khu nhà ở tại phường Xuân La (quận Tây Hồ); tập thể May 10, phường Sài Đồng (quận Long Biên).

Chung cư độc lập, riêng lẻ gồm đề án quy gom tái định cư các chung cư đơn lẻ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và tập thể Công ty Cơ khí xây dựng và lắp máy điện nước Gia Lâm, phường Ngọc Lâm (quận Long Biên).

Giai đoạn 2: Thời gian dự kiến hoàn thành quý II-2023, gồm 8 khu chung cư: Vĩnh Hồ, Văn Chương, Thủy Lợi, Nam Đồng, Hào Nam (quận Đống Đa), Bách Khoa, Quỳnh Mai, Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng).

Nhóm chung cư (khoảng 30% số nhóm chung cư cũ trên địa bàn thành phố) gồm: Nhóm chung cư cũ A12+A13+A14+A15 tập thể Đại học Kinh tế quốc dân, phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng); tập thể Tân Mai (quận Hoàng Mai); tập thể cơ khí xây dựng Đại Mỗ - phường Tây Mỗ; tập thể A1, A2 - Tổ dân phố số 3 - phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm); khu tập thể T262, khu tập thể Viện Hóa, phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm); tập thể Khách sạn Thắng Lợi, tập thể khách sạn Công đoàn, tập thể đá hoa An Dương, tập thể Du lịch (quận Tây Hồ); nhà tập thể tổ 2, phường Thạch Bàn (quận Long Biên).

Giai đoạn 3: Thời gian dự kiến hoàn thành quý III-2023, gồm các khu chung cư: Phương Mai, Nam Thành Công (quận Đống Đa); Kim Giang, Thượng Đình (quận Thanh Xuân).

Nhóm chung cư (khoảng 30% số nhóm chung cư cũ trên địa bàn thành phố) gồm: Nhóm chung cư cũ phường Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng), tập thể Trương Định (quận Hoàng Mai).

Giai đoạn 4: Thời gian dự kiến hoàn thành quý IV-2023, gồm các khu, nhóm, chung cư cũ độc lập, riêng lẻ còn lại.

Mong mỏi từng ngày dự án cải tạo chung cư cũ triển khai

Hình ảnh khá phổ biến trong các khu chung cư cũ được xây dựng từ nhiều thập kỷ trước là những mảng tường bong tróc, nứt vỡ lộ cả cốt thép hoen rỉ, hệ thống cầu thang sụt lún, thấm dột ở khắp nơi... Để tăng diện tích sinh hoạt, các hộ dân đua nhau cơi nới thêm “chuồng cọp”, đặt hệ thống bình nước trọng tải lớn lên sân thượng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết cấu các khu nhà gây mất an toàn nghiêm trọng. Là người đã sống tại chung cư cũ gần 30 năm, căn hộ chật chội gần 30m2 với trần bong tróc từng mảng, mỗi khi trời mưa nước chảy thành dòng, hơn ai hết tôi mong mỏi từng ngày dự án cải tạo chung cư cũ được triển khai. Do đó, khi đại diện chủ đầu tư dự án cùng UBND phường xuống khảo sát hiện trạng và họp với cư dân về việc triển khai xây mới lại chung cư, chúng tôi rất phấn khởi và hy vọng trong một ngày không xa khu nhà dột nát, nguy hiểm sẽ biến thành một tòa chung cư cao tầng khang trang và hiện đại.

Song, điều khiến người dân còn băn khoăn là phương án bồi thường, di dời đối với các hộ dân được thực hiện ra sao? Sau khi xây mới, việc phân định diện tích sử dụng chung, sử dụng riêng, khu vực không gian quanh chung cư... sẽ được cải tạo như thế nào? Tôi cho rằng, dự án cải tạo chung cư cũ có được triển khai thành công hay không phụ thuộc vào trách nhiệm của các bên liên quan, gồm chủ sở hữu, chủ đầu tư, các cấp chính quyền địa phương và người dân.

Ông Nguyễn Văn Trung - phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội

Sẵn sàng dời đi khi dự án khả thi, có lộ trình rõ ràng

Giống như hàng trăm hộ dân khác, tôi sống trong chung cư cũ được đánh giá ở cấp độ nguy hiểm cao đã nhiều năm liền. Từ lâu, hệ thống cột, dầm chịu lực của tòa nhà đã bị nứt, lún nghiêm trọng, phần lan can cũng hư hỏng nặng… Hầu như năm nào tôi cũng mất một khoản chi phí không nhỏ để cải tạo, sửa chữa, song vẫn không thể khắc phục hết tình trạng nước mưa ngấm qua khe tường gây ẩm mốc và tróc lở. Mặc dù ai cũng lo sợ, thấp thỏm khi mỗi ngày phải sống trong căn hộ chật hẹp, cũ nát, có thể đổ sập bất cứ lúc nào, song do điều kiện kinh tế khó khăn nên vẫn phải bám trụ. Điều tôi mong muốn nhất hiện nay là lãnh đạo các cấp, các ngành cần sớm cải tạo, xây dựng lại khu tập thể cũ để người dân sống tại đó được ổn định nơi ăn, chốn ở và có cuộc sống đảm bảo an toàn hơn.

Tôi được biết, hầu hết người dân đồng tình với việc cải tạo, xây mới các khu tập thể cũ song vẫn còn số ít hộ phản đối vì chưa thống nhất được hệ số đền bù, phương án di dời và tái định cư với nhà đầu tư. Tôi tin rằng, khi dự án mang tính khả thi và có lộ trình rõ ràng, chủ đầu tư có kế hoạch, có cam kết cụ thể về tiến độ, chất lượng công trình dưới sự giám sát của người dân và chính quyền, có phương án tái định cư và hỗ trợ bồi thường thỏa đáng theo đúng quy định, chúng tôi sẵn sàng di dời theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Bà Lê Thị Hà - phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội