Phiên chất vấn đầu tiên kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV: Xoáy trúng những vấn đề cử tri chờ đợi

ANTD.VN - Ngày 15-11, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội  Khóa XIV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên. Những vấn đề gây bức xúc dư luận đã được các ĐBQH nêu ra một cách thẳng thắn với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà, là 2 “tư lệnh ngành” đầu tiên đăng đàn. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Không phát triển thủy điện bằng mọi giá

Phiên chất vấn đầu tiên kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV: Xoáy trúng những vấn đề cử tri chờ đợi ảnh 1Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn

“Chúng ta không phát triển thủy điện bằng mọi giá. Bộ Công Thương sẽ làm rõ trách nhiệm của các bên, xử lý nghiêm theo chế tài hiện hành, cấm hoạt động điện lực hoặc rút phép đối với đơn vị vi phạm” 

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nóng ngay từ đầu với hàng loạt các vấn đề liên quan đến “siêu dự án” thua lỗ nặng, việc xả lũ gây thiệt hại, dự án thép Cà Ná… 

Về tình trạng thua lỗ, kém hiệu quả của một số “siêu dự án”, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) đặt câu hỏi: “Nguyên nhân và trách nhiệm của đơn vị quản trị doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước? Bộ trưởng có kiến nghị gì để tránh tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim”?”.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, một số dự án lớn thua lỗ tồn đọng được xem xét phê duyệt đầu tư từ những năm 2003-2008, thời điểm có nhiều biến động của thị trường thế giới (như dầu khí từ 147 USD/thùng nay chỉ còn trên 40 USD/thùng). Theo Bộ trưởng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự hạn chế trong năng lực của chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án, khả năng thực hiện của các nhà thầu trong đó có cả nhà thầu nước ngoài...

Phiên chất vấn đầu tiên kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV: Xoáy trúng những vấn đề cử tri chờ đợi ảnh 2ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) chất vấn

Bên cạnh đó, khi triển khai các dự án còn có nhiều vướng mắc lớn, đòi hỏi phải có sự can thiệp của các Bộ, ngành, nhưng sự can thiệp này chưa đạt hiệu quả cao, có dự án hiệu quả kinh tế không còn, dù đưa vào vận hành cũng không đủ cạnh tranh, thu không đủ bù chi. Để xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan cần căn cứ vào quy định pháp lý hiện hành. Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Cần xem xét tổng thể, toàn diện nhưng phải đảm bảo mục tiêu bảo vệ lợi ích của Nhà nước, phù hợp với kinh tế thị trường cùng các cam kết hội nhập. Phải xem xét, xử lý trách nhiệm và rút ra bài học kinh nghiệm nhằm tránh tái diễn. Những cá nhân cố tình làm sai sẽ bị xử lý nghiêm khắc, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Chất vấn Bộ trưởng về tình trạng xả lũ không báo trước của một số công trình thủy điện, ĐB Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) lo lắng, sai phạm trong quản lý, vận hành các công trình thủy điện như An Khê, Hố Hô gây thiệt hại nặng về người và tài sản,  Bộ trưởng xử lý sai phạm trên như thế nào? Bất cập trong vận hành thủy điện bao giờ được giải quyết?

Làm rõ nội dung trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, chúng ta không phát triển thủy điện bằng mọi giá. Nguyên nhân dẫn đến việc xả lũ gây thiệt hại cho dân thời gian qua là do: Việc chấp hành và thực hiện quy trình của các chủ đập thủy điện còn máy móc, sự phối hợp chưa tốt giữa chủ đập với chính quyền địa phương; việc tổ chức diễn tập chống lũ không đảm bảo hiệu quả; hệ thống quan trắc của thủy điện chưa đảm bảo. Để khắc phục vấn đề này, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ kiểm tra rà soát về chất lượng các hoạt động phòng chống lụt bão, quy trình xả lũ, tập huấn, làm rõ trách nhiệm của các bên, xử lý nghiêm theo chế tài hiện hành, cấm hoạt động điện lực hoặc rút phép đối với đơn vị vi phạm. 

Phiên chất vấn đầu tiên kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV: Xoáy trúng những vấn đề cử tri chờ đợi ảnh 3Thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) xả lũ trong trận lụt lịch sử miền Trung tháng 10-2016

Tham gia phiên chất vấn tại hội trường, ĐB Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) cho rằng, sự cố môi trường 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra là một bài học xương máu, nhưng trong khi trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức chưa được làm rõ một cách quyết liệt thì Bộ Công Thương lại bổ sung quy hoạch dự án Nhà máy thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen tại Ninh Thuận. Do vậy, ĐB Phạm Thị Minh Hiền đề nghị Bộ trưởng trả lời các vấn đề: Có hay không việc xuất hiện lợi ích nhóm khi phê duyệt bổ sung dự án? Có hay không việc Bộ đã và đang chạy theo doanh nghiệp để làm dự án?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, chủ trương của Chính phủ là phát triển bền vững tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong công nghiệp tiếp tục ưu tiên khai thác các nguồn tài nguyên và đảm bảo sự phát triển của các ngành công nghiệp cơ bản. Bộ trưởng cũng khẳng định, không có lợi ích nhóm trong phê duyệt bổ sung dự án thép Cà Ná. 

Cũng theo Bộ trưởng, quy hoạch ngành thép đã có từ năm 2001 và dự án thép Cà Ná đã được phê duyệt từ thời điểm đó. Sau đó, dự án thép này không được phép thực hiện do năng lực tài chính của chủ đầu tư có vấn đề sau khủng hoảng tài chính, dự án này được đưa ra khỏi quy hoạch. Đến cuối năm 2015, dự án tiếp tục được nghiên cứu và Tập đoàn Hoa Sen đã làm việc với tỉnh Ninh Thuận, đề xuất đưa vào trong quy hoạch thép, đồng thời xin chủ trương đầu tư để thực hiện đề án với những cam kết về môi trường, về công nghệ và những nội dung đầu tư. “Dự án thép Cà Ná được xem xét và phê duyệt một cách cẩn trọng. Tuy nhiên, để đảm bảo đầu tư dự án này được hiệu quả trên cơ sở bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ ngành phối hợp, làm rõ với địa phương, với chủ đầu tư về công nghệ, thiết bị, dự án xử lý chất thải, phương án bảo vệ môi trường” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh. 

“Chấm điểm” về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét: “Tuy Bộ trưởng mới nhận nhiệm vụ và lần đầu tiên trả lời chất vấn nhưng Bộ trưởng đã nắm chắc tình hình, thực trạng, nhất là những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực ngành công thương quản lý. Bộ trưởng đã thẳng thắn trả lời, làm rõ các vấn đề được ĐBQH nêu cũng như đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới, dù một số nội dung còn dài chưa làm rõ trách nhiệm nên một số đại biểu đã tranh luận lại”. 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà: Bộ hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự cố Formosa

Phiên chất vấn đầu tiên kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV: Xoáy trúng những vấn đề cử tri chờ đợi ảnh 4ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đặt câu hỏi

Trả lời chất vấn của các ĐBQH liên quan đến sự cố Formosa chiều 15-11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà đã thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm của Bộ về sự cố này.

Tham gia phiên chất vấn, ĐB Ma Thị Thuý (đoàn Tuyên Quang) đặt câu hỏi, hiện nay vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn đang diễn ra rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ và cuộc sống của người dân. Để giải quyết tình trạng này, Bộ TN-MT có giải pháp gì? Trách nhiệm của Bộ trưởng trong sự cố Formosa?

Về vấn đề trên, theo Bộ trưởng Bộ TN-MT trường Trần Hồng Hà, các vùng ngoại thành, nông thôn hiện nay phải chịu tác động ảnh hưởng ô nhiễm môi trường rất lớn, nhất là khu vực đang trong quá trình đô thị hoá với tốc độ nhanh, do việc chuyển công nghiệp ra ngoại thành. Cũng theo Bộ trưởng, trách nhiệm quản lý môi trường nông thôn thuộc Bộ TN-MT. Tuy nhiên, hạ tầng lại giao cho các Bộ khác, bên cạnh đó, các quy định pháp luật chưa rõ… khiến việc quy hoạch các làng nghề chưa được quan tâm. 

Phiên chất vấn đầu tiên kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV: Xoáy trúng những vấn đề cử tri chờ đợi ảnh 5Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời

“Bộ Tài nguyên - Môi trường đã dồn hết sức để xử lý sự cố môi trường biển ở miền Trung và chịu hoàn toàn trách nhiệm”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Liên quan sự cố Formosa và tính bền vững của môi trường trong tương lai, Bộ trưởng khẳng định Bộ TN-MT đã dồn hết sức để xử lý sự cố này và chịu hoàn toàn trách nhiệm. Bộ đã thành lập hội đồng liên ngành đánh giá các kế hoạch về đảm bảo môi trường và yêu cầu doanh nghiệp có biện pháp khắc phục, lộ trình xử lý triệt để, đáp ứng theo đúng tiêu chuẩn Việt Nam. 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà còn cho biết, Bộ đã yêu cầu doanh nghiệp đáp ứng quy trình xử lý nước thải công nghiệp, sinh hoá từ nhà máy luyện cốc, thiết bị tự động quan trắc đầy đủ thông số chuyển về Sở và Bộ TN-MT. Formosa đã thống nhất và tích cực thực hiện để đảm bảo nhà máy hoạt động lâu dài, không xảy ra sự cố.

Nêu ra thực trạng các nhà máy bô-xít, gang thép xả thải ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) chất vấn: “Bộ TN-MT đánh giá tác động môi trường thế nào mà chỉ sau thời gian hoạt động không lâu các nhà máy đã gây ô nhiễm môi trường?”. Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện bởi các cấp Trung ương, địa phương chứ không riêng Bộ  TN-MT. Ngoài ra, công tác thanh tra không phải kiểm tra hành chính mà  liên quan đến vấn đề công nghệ, kỹ thuật để có thể giám sát và đánh giá chính xác. 

Tham gia chất vấn, ĐB Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) cho biết, hiện nay cả nước có 20 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, hàng năm thải ra 16 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao khiến nguồn than cạn kiệt, môi trường bị ảnh hưởng. Về nội dung này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, về mặt công nghệ, các nhà máy này có thể cập nhật công nghệ mới mà nhiều quốc gia tiên tiến đang sử dụng, đồng thời lựa chọn năng lượng than cho tốt để giảm lượng thải. Nếu áp dụng các công nghệ tiên tiến thì hoàn toàn có thể xử lý được để đảm bảo không gây hại khi thải ra môi trường.

Liên quan đến chất vấn của ĐBQH về công tác xử lý tình trạng khai thác cát sỏi trái phép tại các lòng sông, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xây dựng quy hoạch khai thác cần xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương về vấn đề này.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Câu hỏi của tôi không “sốc”

Phiên chất vấn đầu tiên kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV: Xoáy trúng những vấn đề cử tri chờ đợi ảnh 6

Là người gây “sốc” khi chất vấn: “Nếu xảy ra sự cố thép Cà Ná, Bộ trưởng có dám từ chức?”, bên hành lang Quốc hội chiều 15-11, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đã chia sẻ, đánh giá về phần trả lời chất vấn của người đứng đầu ngành Công Thương:

“Tôi nghĩ câu hỏi của tôi là không sốc bởi Bộ trưởng là người có bản lĩnh, khi trả lời đã thể hiện điều đó. Ở đây, tôi đặt ra vấn đề này là hết sức bình thường và cho rằng, Bộ trưởng sẽ đón nhận rất bình thường. Tôi cũng quan tâm tới cách giải thích của Bộ trưởng về dự án thép Cà Ná, hiện chúng ta đang thiếu lượng thép lớn và cũng mất nhiều tỷ USD để nhập thép, trong khi chúng ta lại có nhiều thuận lợi, tại sao không làm để tăng lợi thế cạnh tranh. Tuy vậy, nếu dự án không giải quyết được vấn đề môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng, bản thân tôi không chỉ yêu cầu Bộ trưởng từ chức mà còn yêu cầu các cơ quan pháp luật vào cuộc. Với chất vấn của mình, tôi mong sớm nhận được câu trả lời của Bộ trưởng”.