Tòa nhà của Trương Mỹ Lan “hét giá” cả tỷ USD, nhưng chỉ có người trả giá thấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trương Mỹ Lan nói tòa nhà Capital Place đang được con gái bà ta rao bán 1 tỷ USD nhưng chủ tọa cho hay, chỉ có người trả 360 triệu USD và còn phải trừ 230 triệu USD vay ngân hàng, do tài sản này bảo đảm khoản vay.

Ngày 15-3, TAND - TP. HCM tiếp tục xét xử Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo liên quan, trong vụ án sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và một số đơn vị liên quan. Nội dung ở ngày làm việc kế tiếp này làm rõ trách nhiệm và các tài sản để thực hiện nghĩa vụ dân sự trong vụ án.

Trả lời tại phiên tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày về hàng loạt tài sản của mình như: Công ty Bông Sen của gia đình bà ta chiếm 93.6 % cổ phần tại khách sạn Daewoo Hà Nội. Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đề nghị bán khách sạn này để nộp tiền khắc phục hậu quả cho vụ án.

Bị cáo Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bị cáo Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Hội đồng xét xử cũng thông báo, tòa nhà Capital Place ở số 29 phố Liễu Giai (Hà Nội), bị cáo Lan nói con gái Chu Duyệt Phấn đang rao bán 1 tỷ USD để khắc phục hậu quả nhưng tòa nhà này đang được thế chấp, vay ngân hàng 230 triệu USD. Hiện tại, có người trả 360 triệu USD nên bị cáo nói bán 1 tỷ USD là không đúng.

Trương Mỹ Lan trình bày, lan man nhiều ý không rõ nên chủ tọa yêu cầu trả lời đúng câu hỏi và cho biết, phiên tòa diễn ra dài ngày, bị cáo sẽ có quyền tranh luận.

Bị cáo sau đó khẳng định ngay khi bán tòa nhà Capital Place sẽ đem trả tiền vay ngân hàng, phí môi giới, còn lại dùng để khắc phục hậu quả.

Đối với cổ phần tại Công ty bảo hiểm SUV, Trương Mỹ Lan khai doanh nghiệp này của một tỷ phú Hồng Kông nhưng không tiện nói tên. Bà mua cổ phần trị giá khoảng 920 tỷ đồng tại đây. Hiện được một số đối tác trả giá 5.000 tỷ đồng. Nếu bán được cũng dùng khắc phục hậu quả.

Chủ tọa thông báo, con gái bị cáo đang rao bán số cổ phần này giá 40 triệu USD, tương đương thời điểm mua vào.

Đối với nhà máy sản xuất vắc xin thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, con gái bị cáo cũng muốn chuyển nhượng cho đối tác khác. Trương Mỹ Lan khai đã đầu tư vào đây 315 tỷ đồng nhưng nếu bán đi sẽ không được đối tác nước ngoài hợp tác sản xuất.

Bà chủ Vạn Thịnh Phát đề nghị không đưa một căn biện thự vào diện kê biên.

Bà chủ Vạn Thịnh Phát đề nghị không đưa một căn biện thự vào diện kê biên.

Về căn biệt thự tại 112 Võ Văn Tần (TP. HCM), bị cáo Trương Mỹ Lan cho hay, căn biệt thự này mẹ bị cáo đã mua từ lâu, có giá 700 tỷ đồng nhưng xin không kê biên vì đây là biệt thự thuộc diện bảo tồn.

Một doanh nghiệp có liên quan là Công ty Thành Hiếu (thuộc Tập đoàn Phương Trang) là chủ đầu tư 3 dự án bất động sản, ở quận 7 và 2 dự án ở Long An. Trương Mỹ Lan cho hay, Công ty Thành Hiếu đang nợ SCB 1.450 tỷ đồng.

Chủ tọa hỏi lại, Công ty Xe khách Phương Trang đã chuyển nhượng cho bị cáo 100% cổ phần, giá 3.450 tỷ đồng nhưng mới được thanh toán hơn 1.200 tỷ, còn thiếu hơn 2.000 tỷ. Công ty Thành Hiếu đã chuyển toàn bộ con dấu, tài liệu cho phía bị cáo dễ điều hành nên bị cáo thiếu chứ người ta thiếu đâu. Đáp lời, bị cáo Lan cho biết, phía Phương Trang đang yêu cầu hủy giao dịch, họ trả 1.200 tỷ để nhận lại 3 dự án.

Đại diện Công ty Phương Trang có mặt tại tòa khai, họ không bán Công ty Thành Hiếu cho Trương Mỹ Lan hay Vạn Thịnh Phát mà bán cho 3 cá nhân khác.

Chủ tọa hỏi, tại sao bán cho 3 người khác, giờ lại đi giải quyết với Trương Mỹ Lan?

Phía Phương Trang cho hay, Công ty Thành Hiếu đang hoạt động bình thường nên bên mua sẽ vận hành tiếp; bên bán đã bàn giao hồ sơ dự án tại quận 7, còn các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 2 dự án ở Long An, bao giờ bên mua trả tiền mới được giao.

Phía Phương Trang từng mang giấy tờ đi tách sổ tái định cư cho khách hàng ở Long An, mới biết 2 dự án bị phong tỏa vì liên quan Vạn Thịnh Phát. Ngày 2-2, doanh nghiệp này nộp đơn xin tham gia tòa và hiện mong được gỡ phong tỏa do chúng không liên quan bị cáo Lan hay Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Chủ tọa cho hay có thông tin 3 người mua Công ty Thành Hiếu chỉ “đứng tên” cho Trương Mỹ Lan nên yêu cầu phía Công ty Phương Trang cung cấp hồ sơ để triệu tập ngay 3 người này.

Về thiệt hại trong vụ án, Cơ quan tố tụng xác định, Trương Mỹ Lan và đồng phạm tạo lập hơn 2.500 khoản vay, rút hơn 1 triệu tỷ đồng của SCB. Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm trực tiếp về số tiền 498.000 tỷ đồng.

Ngược lại, phía SCB lại cho rằng, thiệt hại trong vụ án phải là 677.286 tỷ đồng, số liệu tạm tính đến ngày 5-3 là 760.279 tỷ đồng (bao gồm tiền gốc 482.449 tỷ và lãi/phí là 277.830 tỷ đồng).

Sáng 15-3, đại diện Ngân hàng SCB giữ quan điểm này và từ chối trả lời các câu hỏi từ luật sư của Trương Mỹ Lan.