Bị cáo Trần Minh Anh tại phiên toà
Bị hại thực sự là ai?
Theo tài liệu truy tố, ngày 22-1-2007, Trần Minh Anh (SN 1961, trú ở phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) cùng mẹ vợ (thời điểm đó) là bà Bùi Thị Minh đến Phòng giao dịch của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt Hà Nội (Công ty Chứng khoán Bảo Việt) để mở tài khoản mua bán chứng khoán.
Khi nhận hồ sơ, Trần Minh Anh là người trực tiếp điền các nội dung vào tờ khai, đồng thời ký và viết họ tên bà Minh vào mục chủ tài khoản. Cùng ngày, Công ty Chứng khoán Bảo Việt đã cấp cho bà Minh tài khoản giao dịch mang số hiệu: 001C109937. Ngay ngày hôm sau, bà Minh cùng Trần Minh Anh đến ngân hàng “rót” hơn 3 tỷ đồng vào tài khoản này để giao dịch mua bán chứng khoán.
Vụ án chỉ bắt đầu khi Trần Minh Anh liên tục đến Công ty Chứng khoán Bảo Việt làm thủ tục rút hơn 2,1 tỷ đồng trong tài khoản mang tên bà Minh mà không hề có giấy ủy quyền của chủ sở hữu. Từ ngày 16-7 đến 30-1-2008, Trần Minh Anh tiếp tục đến Công ty Chứng khoán Bảo Việt để rút hơn 1 tỷ đồng nữa từ tài khoản mang tên bà Minh với bộ hồ sơ ủy quyền do đối tượng lập khống. Tổng cộng, Trần Minh Anh đã thực hiện 20 lần rút tiền từ tài khoản mang tên bà Minh với số tiền 3,04 tỷ đồng và đã chuyển hơn 1,6 tỷ đồng vào tài khoản của anh ta cũng mở tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt.
Sau gần 1 năm mở tài khoản, bà Minh đến Công ty Chứng khoán Bảo Việt rút tiền thì được thông báo số dư chỉ còn lại hơn 9,1 triệu đồng. Cho rằng con rể đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết để lừa tiền của mình nên bà Minh làm đơn tố cáo tới cơ quan công an.
Cũng theo cáo trạng, trong quá trình điều tra vụ án những nhân viên của Công ty Chứng khoán Bảo Việt liên quan đã tự nguyện nộp 1,5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, điều trớ trêu là sau khi bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tài liệu truy tố lại xác định Công ty Chứng khoán Bảo Việt mới là bị hại của vụ án.
Vậy nhưng tại phiên tòa sơ thẩm hôm qua, một lần nữa 3 nhân viên của Công ty Chứng khoán Bảo Việt đều khẳng định số tiền khắc phục hậu quả không phải do họ bỏ ra mà là do toàn thể cán bộ nhân viên trong công ty đóng góp và doanh nghiệp đã nộp vào cơ quan thi hành án. Từ đó có thể thấy nguyên đơn dân sự đã tự khắc phục hậu quả cho chính mình!?
Chiếm đoạt tiền của mình
Tại tòa, Trần Minh Anh một mực cho rằng anh ta bi oan. Bị cáo trình bày số tiền hơn 3 tỷ đồng gửi vào tài khoản giao dịch tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt là của anh ta và chị Trần Kim Ngân (vợ bị cáo) làm ăn ở nước ngoài mà có từ trước gửi về thông qua bà Minh. Việc bị cáo dùng tên của mẹ vợ để mở tài khoản mua bán chứng khoán đã bàn bạc kỹ với vợ và bà Minh biết rất rõ.
Trần Minh Anh khẳng định, trong quá trình bị cáo mở tài khoản và nhiều lần rút tiền đều có mặt bà Minh. Giải thích về hành vi đứng ra lập và ký, viết họ tên bà Minh vào mục chủ tài khoản, bị cáo cho rằng quy định của công ty chứng khoán không cho phép một người được đứng tên chủ sở hữu 2 tài khoản để giao dịch.
Trước đó, CQĐT đã xác định ngày 23-7-2007, chị Trần Kim Ngân hiện sống tại Đức đã gửi cho bà Minh 175.870 euro thông qua một ngân hàng. Sau khi quy đổi ra VNĐ và nhận tiền từ ngân hàng này, bà Minh đã cùng với Trần Minh Anh đến Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam gửi vào tài khoản giao dịch tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt.
CQĐT cũng đã làm rõ giữa Trần Minh Anh và chị Ngân tổ chức lễ cưới từ năm 1988 nhưng không đăng ký kết hôn và có một con chung, sau đó sang Đức sinh sống. Sau khi Trần Minh Anh bị trục xuất về nước, ngày 24-2-2007, chị Ngân về Việt Nam đăng ký kết hôn với bị cáo. Tuy nhiên, hôn nhân giữa 2 người chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn.
Mặc dù phiên tòa hôm qua mới dừng lại ở phần thẩm vấn, nhưng qua hàng loạt câu hỏi của HĐXX cùng các luật sư đã phần nào thể hiện vụ án ban đầu rõ ràng là quan hệ “làm ăn” giữa bị cáo và mẹ vợ. Thế nhưng đúng vào thời điểm Trần Minh Anh nộp đơn ra toà xin ly hôn với chị Ngân cũng là lúc bà Minh làm đơn tố cáo “kẻ lừa đảo”.
Luật sư bào chữa cho Trần Minh Anh bước đầu nhìn nhận bị cáo không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi theo Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính và luật dân sự thì tiền của khách hàng trong tài khoản tại công ty chứng khoán là thuộc quyền sở hữu của khách hàng. Với những tài liệu có trong hồ sơ vụ án hiện nay và trước lời khai của bị cáo cùng những người liên quan còn có rất nhiều điểm chưa được làm rõ nên một lần nữa HĐXX buộc phải tuyên hoãn phiên toà.