Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết bất cứ vụ việc dân sự nào

ANTĐ -Sáng 27-10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày tờ trình về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về dự luật này.


Theo Tờ trình của Chính phủ, Bộ luật Dân sự lần này được sửa đổi cơ bản và toàn diện; với tổng số 710 điều, được bố cục thành 6 phần, 29 chương. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 174 điều, bãi bỏ 147 điều.

Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết bất cứ vụ việc dân sự nào ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường

Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung lần này là nhằm xây dựng Bộ luật dân sự thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội; ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự. Hơn nữa, việc sửa đổi Bộ luật dân sự không chỉ có ý nghĩa to lớn về mặt bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phát triển kinh tế - xã hội mà còn cả về mặt xây dựng pháp luật sau khi Hiến pháp mới có hiệu lực.


Về các nội dung cụ thể, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) lần này có nhiều nội dung mới như: xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự ; về tài sản; về giao dịch dân sự; về đại diện; về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác...

Trong đó, dự thảo bổ sung các nguyên tắc chung về việc tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân.

Đặc biệt, quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án. Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Ngược lại, với trường hợp này, quy định về áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng sẽ được áp dụng để xem xét, giải quyết.


Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh, theo nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 thì Nhà nước phải có trách nhiệm tạo cơ chế pháp lý đầy đủ để mọi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được Hiến pháp, pháp luật công nhận, đều được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện. Vì vậy, việc bổ sung quy định nêu trên là cần thiết nhằm góp phần thực hiện trách nhiệm này của Nhà nước.