Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, xây dựng phương án thi đến năm 2025

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 17/10, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị, năm học 2022-2023, Bộ GD-ĐT chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và xây dựng phương án thi tốt nghiệp đến năm 2025...
Ngày 17/10, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chỉ ra một số hạn chế của ngành giáo dục cần khắc phục trong năm học 2022-2023

Ngày 17/10, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chỉ ra một số hạn chế của ngành giáo dục cần khắc phục trong năm học 2022-2023

Ngày 17/10, Bộ GD-ĐT làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ năm 2022, dự kiến kế hoạch công tác năm 2023, việc phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận, năm 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là các tác động tiêu cực đại dịch COVID-19, Bộ GD-ĐT và toàn ngành đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, nỗ lực vượt khó, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022 theo đúng kế hoạch, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, Bộ GD-ĐT là một trong những đơn vị có nhiều đổi mới trong công tác quản lý, thực hiện chuyển đổi số từ sớm và có những thay đổi mạnh mẽ, chú trọng cải cách hành chính…

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chỉ ra một số vấn đề của ngành giáo dục như việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn hạn chế.

Một số văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện vẫn chưa bảo đảm chất lượng, gây khó khăn cho giáo viên trong triển khai thực hiện. Việc triển khai quy định, hướng dẫn dạy và học trong bối cảnh COVID-19 còn mang tính ứng phó.

Việc củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh khi đi học trực tiếp trở lại có một số lúng túng, gây áp lực cho các trường trong bố trí giờ dạy, kinh phí chi trả cho giáo viên.

Mạng lưới trường lớp, gồm điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục.

Đặc biệt, vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được khắc phục triệt để, đặc biệt là thiếu giáo viên ở các bộ môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018...

Tình trạng giáo viên nghỉ việc và chuyển việc sau đại dịch COVID-19 diễn ra ở một số địa phương, đặc biệt là ở đội ngũ giáo viên mầm non….

Về phương hướng, nhiệm vụ năm học 2022- 2023, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật và tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó quan tâm nghiên cứu xây dựng Luật điều chỉnh về Nhà giáo trong thời gian sớm nhất;

Tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh nhằm xây dựng bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính.

Đồng thời, tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, bảo đảm công bằng trong tiếp cận với giáo dục và đào tạo của người dân; chuẩn bị thực hiện tốt việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình.

Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và xây dựng phương án thi tốt nghiệp đến năm 2025 và giai đoạn sau đó;

Tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; đánh giá kết quả của Chương trình "Sóng và máy tính cho em"; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội, thực hiện lồng ghép với các Chương trình mục tiêu quốc gia để tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, trong đó có giáo viên tiếng dạy tiếng dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu quả thực hiện tự chủ đại học; tăng cường hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; chú trọng đến chuyển đổi số, phát triển hạ tầng phục vụ nghiên cứu và đào tạo.