Tổ chức khám sức khỏe cho người nhiễm dioxin

(ANTĐ) - Sáng 16-4, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức Giao lưu trực tuyến về chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Tổ chức khám sức khỏe cho người nhiễm dioxin

(ANTĐ) - Sáng 16-4, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức Giao lưu trực tuyến về chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Rất nhiều câu hỏi về chính sách hỗ trợ, thủ tục để được công nhận là nạn nhân... đã được gửi đến. PV An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Khôi Nguyên - Bộ trưởng Bộ TN-MT về những vấn đề liên quan.

PV: Thưa ông, những vùng nào ở Việt Nam hiện đang bị ô nhiễm chất độc hóa học nặng nhất?

Ông Phạm Khôi Nguyên: Các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài đã xác định được 3 vùng “nóng”, bị ô nhiễm nặng nhất là: sân bay Biên Hòa, sân bay Đà Nẵng và sân bay Phù Cát.

Sân bay Biên Hòa có 3 điểm có nồng độ dioxin rất cao. Điểm chính là đường dẫn bay, nồng độ dioxin trên bề mặt đến 30cm lên tới trên 400.000 ppt, trong khi nồng độ trung bình là 15.000 ppt.

Như thế là cao hơn tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần. Điểm thứ hai là phía nam đường băng có nồng độ dioxin ở mức trên 65.000 ppt. Điểm thứ 3 là phía tây nam đường băng cũng có nồng độ lên tới trên 22.000 ppt.

Chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân nhiễm dioxin
Chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân nhiễm dioxin

Sân bay Đà Nẵng cũng đã xác định được 3 điểm có nồng độ dioxin cao: Nơi trộn, chứa, nạp, rửa chất độc hóa học để phục vụ phun rải có nồng độ dioxin lên tới 365.000 ppt.

Gần nơi lưu giữ và nạp có nồng độ dioxin gần 140.000 ppt và hồ Sen gần đó, nơi nước mưa chảy tràn từ sân bay xuống có nồng độ lên tới 12.400 ppt. Ở sân bay Phù Cát, nồng độ dioxin ở bãi chứa trước đây lên tới 238.000 ppt.

PV: Vậy định hướng để giải quyết các điểm nóng và việc xử lý tình trạng ô nhiễm đang gặp khó khăn là gì?

Ông Phạm Khôi Nguyên: Những năm qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp và cung cấp tài chính để ngăn chặn sự lan tỏa của dioxin ra môi trường, tác động đến sức khỏe người dân. Chính phủ đã chi khoảng 5 triệu USD để xây dựng bãi chôn lấp cô lập đất bị nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa.

Tại điểm chính của sân bay Biên Hòa, hầu hết đất bị nhiễm dioxin đang được Bộ Quốc phòng khu trú bằng bê tông có kiểm soát. Đồng thời tiến hành thử nghiệm công nghệ sinh hóa xử lý triệt để.

Tại sân bay Đà Nẵng, mặc dù chưa xử lý triệt để khu vực bị ô nhiễm dioxin, song đã tiến hành các công việc phân loại, khoanh vùng khu nhiễm độc, xây dựng các hạng mục công trình tạm thời ngăn chặn sự lan tỏa dioxin ra môi trường.

Sắp tới, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ giải ngân 2 triệu USD để giải quyết vấn đề môi trường tại sân bay này. Khó khăn lớn nhất trong việc xử lý ô nhiễm tại các điểm nóng nhiễm dioxin là công nghệ và kinh phí. Để xử lý ô nhiễm ở Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát kinh phí tạm tính lên tới gần 60 triệu USD.

PV: Thưa ông, đến nay mới chỉ có những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng những chế độ ưu đãi. Vậy còn những người dân thường bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC) thì sao?

Ông Phạm Khôi Nguyên: Phần việc này là của Bộ LĐ-TB&XH, nhưng tôi xin trả lời mấy ý chính sau. Thứ nhất, sở dĩ những người tham gia kháng chiến được hưởng chế độ ưu đãi là vì họ là những người có công với cách mạng và dân tộc, đồng thời quá trình chiến đấu tại chiến trường bị rải chất độc hóa học cũng giúp dễ xác định việc bị nhiễm dioxin hơn.

Thời gian qua, những người dân thường cũng đã được hưởng một số chính sách an sinh xã hội. Sắp tới, sau khi Bộ Y tế làm xong các tiêu chí xác định bị nhiễm dioxin đối với dân thường, sẽ có đợt khám cho người dân để áp các tiêu chí này vào. Chắc chắn làm chế độ cho người dân bị nhiễm dioxin sẽ tốn kém thời gian và kinh phí hơn vì số lượng người bị nhiễm rất đông.                  

Chính Trung (Thực hiện)