Tình yêu từ những việc làm giản đơn

ANTĐ - Nơi đảo xa ấy, quân với dân như người cùng một gia đình. Dù mỗi người ở một cương vị khác nhau, nhưng họ yêu nước bằng những việc làm thiết thực, dù nhỏ bé, giản đơn nhưng mỗi người trên đảo Trường Sa như một lá cờ khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. 

Các em nhỏ trên đảo Trường Sa nhận được sự chăm sóc từ các chiến sỹ

Đâu cũng là đất nước, quê hương

Trường Sa Lớn những ngày hè oi ả, nắng trải dài trên những bãi cát, trắng lấp lóa, hòn đảo xanh ấy tựa như hòn ngọc giữa Biển Đông. Thị trấn Trường Sa, huyện đảo Trường Sa có đầy đủ cơ sở vật chất từ trường học tới trạm xá, nhà văn hóa, chùa… Sinh sống trên đảo Trường Sa Lớn đều là những cặp vợ chồng trẻ, họ đã làm đơn xin ra đảo như muốn góp một phần ý chí dù rất nhỏ, khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Những đứa trẻ vừa kết thúc năm học nhảy nhót tạm trút bỏ sách vở để thoải mái nô đùa với ngày tháng hè. Trong khu gia đình sinh sống trên đảo Trường Sa Lớn là những hộ dân với đầy đủ tiện nghi gia đình, tivi truyền hình vệ tinh, tủ lạnh, quạt… Tiếng trẻ ê a học chữ, tiếng gà lợn kêu đói giữa trưa xen vào đó là những âm thanh quen thuộc rất đỗi đời thường. Chẳng ai có thể nghĩ, cuộc sống này đang diễn ra trên hòn đảo cách xa đất liền mấy trăm cây số.

Vợ chồng anh Lê Đức Phép và chị Nguyễn Thị Bích Hà ở Ninh Hòa, Khánh Hòa làm đơn tình nguyện ra đảo sinh sống. Anh Phép cho biết, ban đầu viết đơn xin ra đây vợ chồng anh cũng khá băn khoăn, nhất là 2 đứa con nhỏ, lo ngại điều kiện sống khó khăn, hai đứa trẻ sẽ phát triển kém, lại chuyện học hành và chăm sóc y tế. Tuy vậy, sau một thời gian sinh sống ở đây, mọi thứ đã làm anh chị thay đổi hoàn toàn suy nghĩ, những lo lắng ban đầu nay đã không còn. “Hai đứa trẻ phát triển rất tốt, các cháu rất ngoan ngoãn vì ngoài sự dạy dỗ của cha mẹ còn được sự quan tâm rất nhiệt tình của thầy cô và các chiến sỹ  đóng quân trên đảo. Các cháu rắn rỏi hơn rất nhiều. Thầy cô ở đây chẳng khác nào những người cha, người mẹ. Không chỉ dạy dỗ các cháu con chữ, con số, thầy cô còn dạy bảo các cháu cách ứng xử, luôn bày những trò chơi mới để các cháu vui chơi, giải trí”, chị Bích Hà cho biết.

Bình yên 1 trưa hè Trường Sa Lớn

Tương tự, hai vợ chồng anh Lê Thanh Lâm và chị Lê Thị Hoa quê  Hà Tĩnh cũng đã viết đơn xin ra đảo Trường Sa sinh sống. Anh chị đã có hai cháu, cháu lớn 5 tuổi và cháu nhỏ 15 tháng tuổi. Anh Lâm tâm sự: “Khi biết có chương trình đưa ngư dân ra đảo Trường Sa sinh sống, vợ chồng tôi đã bàn bạc và quyết định viết đơn xin đi. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, sinh sống ở đâu thì cũng là người Việt Nam, cũng trên mảnh đất quê hương, dù đó là đất liền hay biển đảo xa xôi”.

Trong cuộc nói chuyện, chị Hoa “bật mí”: “Các bác sỹ trên đảo có chuyên môn giỏi và nhiệt tình lắm. Vài bữa trước, cháu lớn nhà tôi bị sốt dữ lắm, vậy mà đưa ra trạm xá, bác sỹ khám, cho thuốc, uống vài bữa là khỏi”.  Cũng theo chị, cuộc sống ở đây chẳng khác bao xa so với đất liền. Như vợ chồng chị, ngoài chăn nuôi lợn, gà, trồng rau ngày ngày còn đi đánh bắt thủy hải sản. Trung bình mỗi ngày, lượng hải sản đánh bắt được cũng ngót nghét nửa tạ, dùng trong gia đình không hết, anh chị lại chia sẻ với các cán bộ, chiến sỹ trên đảo, chẳng khác anh em trong một gia đình. 

Tình yêu từ những việc làm giản đơn ảnh 3
Gia đình anh Phép, chị Hà tranh thủ dạy con học chữ nhân ngày rảnh rỗi

Những ngọn cờ khẳng định chủ quyền

Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất cũng như khí hậu khắc nghiệt, nhưng những thanh niên đầy nhiệt huyết ấy vẫn tình nguyện ra đảo công tác, đơn giản với suy nghĩ “đâu khó có thanh niên”. Thầy giáo Đỗ Văn Hiệp mới 24 tuổi, vừa tốt nghiệp Sư phạm tại Khánh Hòa nhưng đã tình nguyện viết đơn ra Trường Sa Lớn dạy học. Khi được hỏi, lý do nào khiến một thanh niên thành phố, đang quen với sự “ồn ào, náo nhiệt” của TP biển Nha Trang lại xin ra đây, Hiệp nói mộc mạc: “Cùng khóa học với em có 3 người cũng xung phong ra Trường Sa, vậy là chúng em quyết tâm đi thôi. Trong đó, một bạn đang công tác trên đảo Sinh Tồn, một bạn ở đảo Song Tử Tây, còn em ở Trường Sa Lớn. Tuổi trẻ mà chị, nhiều khi chỉ đơn giản vậy thôi, đâu cần phải to tát gì”.

Tuổi trẻ xông pha, sống có lý tưởng, cũng bởi vậy mà Nguyễn Phi Ý Hoài, Bí thư Đoàn thanh niên thị trấn Trường Sa đã lựa chọn hòn đảo Trường Sa Lớn là nơi công tác của mình sau khi ra trường. Cũng sinh ra và lớn lên ở Khánh Hòa sầm uất, nhưng Hoài đã dứt bỏ những níu kéo ấy để đến với Trường Sa. Hoài tâm sự: “Ban đầu ra đảo cũng thấy bỡ ngỡ, may mắn mình có nhiều bạn bè công tác ở Trường Sa đã được chia sẻ phần nào về điều kiện sống ở đây”.

Cô và trò trên đảo Trường Sa Lớn

Các hộ dân sinh sống trên đảo, ban ngày thì đi đánh bắt hải sản, chiều đến thì cùng nhau chơi thể thao nên đời sống khá thoải mái. Đặc biệt, bà con ở đây giờ không phải lo đến nước ngọt, trung bình mỗi người có 50-60 lít nước ngọt/ngày nên rất thoải mái. Hoài tự hào chia sẻ: “Ở trên đảo, chính quyền, quân đội và nhân dân là một. Ủy ban có thiếu thốn gì đều được quân đội chia sẻ, các hộ dân cũng vậy. Chính quyền xã thì luôn theo sát nhân dân, có vấn đề gì đều tường tận đến từng gia đình chỉ giúp như kiến thức chăn nuôi gia cầm, thậm chí, cán bộ còn xắn tay giúp bà con làm chuồng trại… Mỗi hộ dân đều kết nghĩa với một đơn vị đóng quân trên đảo, nên được giúp đỡ, hỗ trợ về mọi mặt, kể cả khi đi đánh bắt đều có sự đồng hành của các chiến sỹ”. Nói về tình yêu cũng như chủ quyền biển đảo Tổ quốc, Hoài khẳng định: “Mỗi người dân, cán bộ, chiến sỹ sinh sống trên đảo đã như một ngọn cờ khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Mỗi người ở đây đều cố gắng làm tốt trách nhiệm của mình, phát huy sức mạnh, sức sống trên đảo xa… Tình yêu nước xuất phát từ những việc làm giản đơn, ngay trong những việc làm hàng ngày”.  Còn anh Phép, anh Lâm, chị Hà, chị Hoa và còn nhiều hơn nữa các ngư dân đang sinh sống trên đảo Trường Sa chỉ đơn giản mà rằng: “Chúng tôi cũng được nắm bắt tình hình Biển Đông qua tivi nhưng ngoài này yên bình lắm, chẳng sợ gì cả, Hoàng Sa- Trường Sa là chủ quyền của Việt Nam mà”.