Tín hiệu đáng lo của dòng tiền: Dân cư rút tiền khỏi ngân hàng, doanh nghiệp lại gửi nhiều hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong khi tiền gửi các tổ chức kinh tế duy trì mức tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ thì thì tiền gửi khu vực dân cư lại có xu hướng tăng trưởng thấp đi.

Tín hiệu đáng lo

Theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 6/2021, tổng phương tiện thanh toán đạt hơn 12,6 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 4,43% so với cuối năm 2020.

Trong đó, tiền gửi của cư dân lại chỉ tăng trưởng 2,94% so với cuối năm 2020, ở mức gần 5,3 triệu tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ trong lịch sử dữ liệu thống kê được công bố. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2020, tiền gửi cá nhân tăng 5,09%.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, tổng quy mô tiền gửi của các tổ chức kinh tế ở mức hơn 5,1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 4,78% so với cuối năm 2020. Con số này nhỉnh hơn so với mức tăng trưởng 4,32% trong 6 tháng đầu năm năm 2020.

Tiền gửi của tổ chức kinh tế bắt đầu tăng mạnh kể từ tháng 3/2021, từ mức trên 4,7 triệu tỷ đồng vào tháng 2, và tăng dần đều lên con số trên 5,1 triệu tỷ đồng trong vào tháng 6.

Lý giải về nguyên nhân của diễn biến trên, chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Thế Hiển cho rằng chủ yếu do tác động của dịch Covid-19. Trong đó, tiền gửi cư dân tăng trưởng thấp do người dân bị giảm thu nhập rất nhiều sau gần 2 năm chống chọi với đại dịch, dẫn đến tiền tích lũy không còn nhiều để gửi ngân hàng.

Hơn nữa, lãi suất ngân hàng không đủ hấp dẫn để gia tăng tỷ lệ tiền gửi, dẫn đến việc một bộ phận người dân chuyển tiền nhàn rỗi sang các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, vàng…. Ngoài ra, dòng tiền của người dân còn bị kẹt ở những khoản vay mượn lẫn nhau, hay còn gọi là tín dụng tự do với lãi suất cao hơn nhiều lãi suất ngân hàng, vì vậy tiền lưu thông trong dân vẫn nhiều hơn gửi vào ngân hàng.

Trong khi ở phía các tổ chức kinh tế, tiền gửi ngân hàng tăng cao, theo vị chuyên gia, lại là một dấu hiệu đáng lo. Điều này thể hiện các doanh nghiệp đang khó khăn trong việc kinh doanh do đứt gãy chuỗi cung ứng. Tiền của doanh nghiệp không thể đầu tư mua nguyên vật liệu để sản xuất hàng hóa, do đó phải tạm gửi trong ngân hàng, không thể chuyển thành dòng tiền kinh doanh.

Tiền gửi khu vực dân cư tăng trưởng thấp, trong khi khu vực doanh nghiệp lại tăng cao

Tiền gửi khu vực dân cư tăng trưởng thấp, trong khi khu vực doanh nghiệp lại tăng cao

Lãi suất có thể nhích nhẹ vào cuối năm

Với các lý giải trên, TS Đinh Thế Hiển cho rằng chưa thấy dấu hiệu tích cực của những con số trên. Theo đó, người dân đang có xu hướng rút tiền khỏi ngân hàng để đầu tư vào những kênh mạo hiểm hơn như bất động sản, chứng khoán...

Trong đó, nếu dòng tiền vào bất động sản tăng một cách thái quá có thể khiến giá bất động sản tăng cao, dòng vốn này không được đưa vào kinh doanh tạo việc làm cho người lao động, không đảm bảo an sinh xã hội, thu ngân sách. Thậm chí, việc đầu tư này đến lúc nào đó còn tạo thành nguy cơ “bong bóng” bất động sản.

Về chứng khoán, lượng tài khoản cá nhân đầu tư chứng khoán thời gian qua đã tăng vọt. Tuy nhiên, nếu không hướng người dân tham gia đầu tư chứng khoán một cách có tổ chức, bài bản thì thị trường chứng khoán có thể tạo thành các đợt sóng lên - xuống, khiến nguồn vốn vào thị trường dựa theo “lướt sóng” và biến chuyển không tương xứng với thực chất hoạt động của doanh nghiệp.

“Kinh nghiệm về vận hành thị trường tài chính tại các quốc gia phát triển cho thấy, số nhà đầu tư cá nhân tham gia trực tiếp vào giao dịch chứng khoán rất ít. Mà người dân chuyển vào các kênh đầu tư như quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện hoặc tham gia đầu tư chứng khoán tại các quỹ mở, do các nhóm chuyên nghiệp hỗ trợ. Nhưng ở Việt Nam, các quỹ này chưa phát triển, ít người biết đến nên phần đông cá nhân vẫn tự tham gia đầu tư, nên thiếu tính bền vững, an toàn cho khoản đầu tư cũng như chính thị trường” – vị chuyên gia nêu quan điểm.

Trong bối cảnh lãi suất khó có thể tăng cao, TS Đinh Thế Hiển cho rằng việc kiểm soát lạm phát sẽ là mấu chốt của vấn đề.

“Nếu lạm phát giữ ở mức dưới 4%, lãi suất ngân hàng ở mức 6-6,5% thì lãi suất tiền gửi thực tế của người dân vẫn luôn thực dương, thay vì đẩy lãi suất cao lên 8-9% nhưng đồng thời cũng làm lạm phát tăng thì không tốt. Hơn nữa, lạm phát tăng cao thì nền kinh tế và người dân đều bị ảnh hưởng...” – ông nói.

Vị chuyên gia cũng dự đoán từ nay đến cuối năm và đầu năm sau, lãi suất ngân hàng sẽ khó giữ ở mức thấp. Bởi sau khi Chính phủ và các địa phương xử lý xong tình hình dịch bệnh, chấm dứt giãn cách xã hội, nhu cầu về dòng tiền và tín dụng sẽ tăng, các ngân hàng sẽ phải thu hút thêm tiền gửi.

Do đó, lãi suất có thể sẽ đi ngang hoặc nhích nhẹ lên, không tiếp tục giảm xuống nữa.