Tìm "thuốc" trị tận gốc "khối u" nợ xấu

ANTD.VN - Nợ xấu – “khối u ác tính” của hệ thống ngân hàng đang được mổ xẻ và tìm hành lang pháp lý để giải quyết triệt để. Đồng thời, vấn đề xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo cũng được cơ quan quản lý đặc biệt quan tâm.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu. Trong đó, cơ quan này đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu giải quyết sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD.

Thao túng ngân hàng chưa được xử lý triệt để 

Theo đề xuất của NHNN, Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu sẽ bao gồm 3 phần. Trong đó, phần 1 bao gồm các quy định về quy trình xử lý TCTD yếu kém, các biện pháp hỗ trợ phục hồi các TCTD yếu kém. Phần 2 bao gồm các quy định về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Phần 3 gồm các điều khoản sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD năm 2010 có liên quan đến việc khắc phục tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD, nâng cao năng lực quản trị, điều hành của TCTD.

NHNN cho biết, việc các TCTD lâm vào tình trạng yếu kém trong thời gian qua có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân quan trọng đầu tiên là do năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro của các TCTD còn nhiều bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng, mức độ tăng trưởng, mức độ và yêu cầu về quản trị rủi ro trong hoạt động. Nguyên nhân tiếp theo xuất phát từ tình trạng sở hữu chéo, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng ngân hàng. 

Báo cáo của NHNN cho thấy, hiện nay tình trạng sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối các ngân hàng đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, việc thao túng hoạt động ngân hàng chưa được xử lý triệt để. Các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo mặc dù đã dần được xử lý nhưng một số TCTD vẫn đang có sở hữu cổ phần lẫn nhau hoặc sở hữu qua lại với doanh nghiệp. Một số vẫn còn tình trạng cổ đông là tổ chức sở hữu trên 15% vốn điều lệ, cổ đông và người có liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ của TCTD. Cụ thể, cho đến nay, số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp xuống 3 cặp; sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp giảm từ 56 cặp xuống 4 cặp...

Theo các chuyên gia, sở hữu chéo về bản chất không xấu, trên thế giới đã có rất nhiều ngân hàng lớn sở hữu cổ phần của ngân hàng nhỏ nhằm hỗ trợ vốn, kinh nghiệm, công nghệ để cùng phát triển. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thực tế cho thấy, sở hữu chéo bị biến tướng dẫn đến nhiều dòng vốn vào ngân hàng là vốn ảo.

Bằng chứng rõ ràng là hàng loạt “đại gia” như Nguyễn Đức Kiên (từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB), Hà Văn Thắm (từng đảm nhiệm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OceanBank) lập sân sau; Phạm Công Danh (Ngân hàng Xây dựng) dùng người thân trong gia đình mua cổ phần, thâu tóm và chi phối. Hậu quả, hàng loạt ngân hàng đã bị những cá nhân này đẩy vào tình trạng mất thanh khoản, nợ xấu tăng cao, âm vốn điều lệ, thua lỗ nặng nề.

Không được đi vay để góp vốn vào ngân hàng

Trong báo cáo này, NHNN cho rằng, do chưa có quy định hạn chế sử dụng vốn do các TCTD cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng cũng là một trong các nguyên nhân dẫn tới tình trạng sở hữu chéo. Từ đó, cơ quan này đề nghị bổ sung vào Luật Các TCTD nội dung: Nguồn vốn có được do các TCTD cấp tín dụng không được sử dụng để góp vốn mua cổ phần của bất kỳ TCTD nào. Điều này có nghĩa là cổ đông sẽ không được phép vay tiền để mua cổ phiếu ngân hàng nữa.

 Đánh giá về quy định này, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, đây là quy định hợp lý, cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiền mua cổ phiếu ngân hàng nhất định phải là tiền tích lũy hoặc tiền bán tài sản riêng. “Cách đây hơn 10 năm, khi tôi đứng ra lập ngân hàng Việt Nam đầu tiên ở Mỹ, các cơ quan quản lý ở Mỹ lập tức yêu cầu phải báo cáo cụ thể, chi tiết tất cả các cổ đông, nguồn vốn góp. Họ đặc biệt quan tâm vấn đề tiền ở đâu ra để lập ngân hàng” - TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, thời điểm này NHNN mới bắt đầu luật hóa vấn đề này là quá muộn và chúng ta đã phải chịu hậu quả nặng nề.

“Từng có trường hợp cổ đông đi vay để đầu tư mua cổ phiếu ngân hàng rồi dùng cổ phiếu thế chấp vay tiền để tiếp tục mua cổ phiếu ngân hàng... Điều này dẫn đến hậu quả khôn lường và bây giờ chúng ta vẫn đang chịu hệ lụy của nó khi không biết trong hệ thống có bao nhiêu dòng tiền là ảo” - TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần có thêm những quy định cụ thể tại văn bản luật hoặc các văn bản dưới luật nhằm tránh kẽ hở có thể dẫn đến tình trạng lách luật. Bên cạnh đó, cần có cơ chế và giám sát chặt chẽ thì mới xử lý triệt để được tình trạng sở hữu chéo hiện nay. Cần làm rõ được mối quan hệ giữa ông chủ ngân hàng với các doanh nghiệp sân sau, người thân, người quen thì mới chống được sở hữu chéo. 

“Từ quyết tâm, từ quy định đến thực hiện thường có khoảng cách nhất định. Theo tôi, NHNN phải giám sát các ngân hàng một cách chặt chẽ, đặc biệt cần thay đổi phương pháp thanh tra ngân hàng. Thanh tra ngân hàng hiện nay còn nặng tính tuân thủ, chủ yếu xem ngân hàng vi phạm khoản nào của Luật Tổ chức tín dụng, các quy định của NHNN. Trong khi đó, tại nước ngoài, công tác thanh tra phải toàn diện, đảm bảo giám sát mức độ rủi ro và công tác quản lý của ngân hàng”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Siết tiêu chuẩn “sếp” ngân hàng

NHNN cũng cho rằng, một trong các nguyên nhân chính để xảy ra việc các TCTD lâm vào tình trạng yếu kém trong thời gian qua là do năng lực của người quản trị, điều hành tại một số TCTD còn nhiều bất cập hoặc do các hành vi sai phạm từ người quản lý, điều hành dẫn tới thất thoát tài sản của TCTD.

Theo NHNN, các quy định hiện hành về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh trên của các TCTD tại Luật các TCTD được xây dựng từ năm 2010, đến thời điểm hiện tại đã không còn phù hợp với quy mô phát triển của hệ thống, dẫn tới yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện người quản lý, điều hành quy định tại luật thấp hơn so với quy mô, tốc độ tăng trưởng, mức độ và yêu cầu về quản trị rủi ro trong hoạt động của TCTD.

NHNN lo ngại thực tế trên làm giảm năng lực quản trị, điều hành tại các TCTD, làm ảnh hưởng tới tốc độ, quy mô tăng trưởng của các TCTD và tiềm ẩn làm phát sinh các rủi ro từ các lỗ hổng trong quản lý, điều hành TCTD.

Cũng theo dẫn giải trong dự thảo trên, thời gian qua đã phát sinh nhiều sai phạm của người giữ chức danh quản lý, điều hành tại các tổ chức tín dụng, trong đó có những sai phạm gây thiệt hại tới hàng nghìn tỷ đồng, gây mất lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.

“Với môi trường hoạt động đặc thù có nhiều khả năng phát sinh các rủi ro về mặt đạo đức, yêu cầu phải có các các tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ hơn đối với người giữ chức danh quản lý, điều hành bao gồm cả các yêu cầu về phẩm chất, đạo đức mà các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Luật các TCTD đã không còn đáp ứng được”, NHNN nhận định.

Vì vậy, theo NHNN, yêu cầu đặt ra là sửa đổi, bổ sung điều 50 Luật các TCTD về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh chủ tịch hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, thành viên hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc của các tổ chức tín dụng theo hướng chặt chẽ hơn. Mục tiêu là nâng cao năng lực quản trị, điều hành của người quản lý, điều hành tại các TCTD, qua đó nâng cao năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro của các tổ chức này.

Hiện NHNN chưa nêu các điểm điều kiện, tiêu chuẩn đề xuất sửa đổi hoặc bổ sung cụ thể, nhưng có dẫn giải ví dụ như: các cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng bị cấm vĩnh viễn không được là người quản lý, điều hành TCTD; thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên phải có kiến thức về quản trị rủi ro; tổng giám đốc phải có năng lực phù hợp với quy mô và mức độ phức tạp trong hoạt động của TCTD tham gia điều hành...