Tiền “công đức” - ai được phép sử dụng?

(ANTĐ) - Quản lý tiền “công đức”, tiền “giọt dầu” thế nào, cần công khai minh bạch chuyện thu chi ra làm sao, có cần thiết xây dựng một quy chế sử dụng nguồn thu này hay không... đã trở thành vấn đề “nóng” trong cuộc họp về công tác quản lý lễ hội diễn ra vào sáng qua, 19-3 tại Bộ VH-TT&DL.

Tiền “công đức” - ai được phép sử dụng?

(ANTĐ) - Quản lý tiền “công đức”, tiền “giọt dầu” thế nào, cần công khai minh bạch chuyện thu chi ra làm sao, có cần thiết xây dựng một quy chế sử dụng nguồn thu này hay không... đã trở thành vấn đề “nóng” trong cuộc họp về công tác quản lý lễ hội diễn ra vào sáng qua, 19-3 tại Bộ VH-TT&DL.

Tiền “giọt dầu” vứt tràn lan - cảnh thường thấy ở các đền chùa
Tiền “giọt dầu” vứt tràn lan - cảnh thường thấy ở các đền chùa

Xung quanh câu chuyện tiền “công đức”, và tiền “giọt dầu” - nguồn kinh phí thu từ di tích, lễ hội của các địa phương hiện có nhiều chủ thể cùng tham gia quản lý và sử dụng. “Cha chung không ai khóc” từ đó dẫn tới việc khi sử dụng chính những nguồn thu này phục vụ lại cho di tích theo quy định của Luật Di sản gặp nhiều khó khăn.

Nhiều nơi, coi lễ hội và di tích là nguồn lợi riêng và tự ý tu sửa di tích nên dẫn tới những vi phạm như xây dựng trái phép tại di tích đền Bà Chúa Kho, chùa Tiêu - Bắc Ninh, lăng mẫu chúa Liễu Hạnh, Vụ Bản, Nam Định, hay như ở đền Tiên La, đền Trần, chùa Thượng Liệt, Thái Bình.

Theo kết quả thanh tra lễ hội của Thanh tra Bộ VH-TT&DL, tính đến ngày 10-2-2009, lực lượng chức năng đã thu giữ 46 phương tiện xe máy, chèo kéo, đeo bám khách, xử lý 178 vụ vi phạm, cảnh cáo 83 điểm, số tiền thu được từ việc xử phạt hành chính lên tới 268 triệu đồng.

Bên cạnh đó, thanh tra cũng thu giữ hơn 38.0000 băng đĩa, gần 10.000 bản sách bói toán, gỡ hai biển giả ở suối Giải Oan và suối Tiên khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cùng nhiều điểm trò chơi ăn tiền bất hợp pháp ở Lễ hội chợ Viềng.

Từ lý do trên có ý kiến đề nghị các địa phương hàng năm cần phải có báo cáo cụ thể về nguồn thu từ tiền công đức, “giọt dầu”. Nhưng làm thế nào để có được báo cáo này, và quản lý được tiền “công đức” lại không đơn giản. Ông Nguyễn Văn Nha - Phó Chủ tich UBND huyện Vụ Bản, Nam Định cho rằng “Không thể quản lý được tiền công đức”.

Ông Nha giải thích, UBND huyện Vụ Bản đã thành lập Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa phủ Dày, nhưng có danh mà không có thực, bởi nhiều người họ đưa tâm đến thủ nhang mà không cần phiếu công đức. Phát biểu trong cuộc họp, nhiều địa phương cũng đưa ra ví dụ về mô hình quản lý tiền “công đức”, tiền phí thắng cảnh như  20% nộp cho tỉnh, 10% dành cho huyện, nhà chùa được 30% và phần còn lại dành cho di tích.  Tuy nhiên, thực tế ở các địa phương có những lễ hội lớn như chùa Hương, hay Yên Tử... thì vấn đề quản lý tiền “giọt dầu” cũng khá lúng túng.

Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, ở những nơi linh thiêng như đền chùa mà tồn tại tiêu cực là điều không chấp nhận được. Vì thế, các ban, ngành, bên cạnh việc rà soát lại các quy định hiện hành liên quan tới lễ hội sẽ tiến tới xây dựng quy chế sử dụng tiền “công đức”, “giọt dầu”. Và  để đảm bảo công khai minh bạch, hàng năm các địa phương cần phải báo cáo về Bộ VH-TT&DL nguồn thu này. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu và đưa ra quy định cụ thể như không được đặt tiền lễ, không được rải tiền lẻ tràn lan, mỗi di tích bao nhiêu hòm công đức là đủ. 

Quỳnh Vân