Tiền bạc phân minh

ANTĐ - Trong bối cảnh lạm phát đang “hạ nhiệt” và dự báo kinh tế mấy tháng cuối năm nay, một số lãnh đạo ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nhận định, sự điều chỉnh trong chính sách tiền tệ của Việt Nam đang từng bước phát huy tác dụng. Mới đây, tăng trưởng tín dụng cả năm được giảm xuống còn 15-17% (thay vì 20%) và tổng phương tiện thanh toán giảm 12% (thay vì 15-16%) là phù hợp với thực tế.

Diễn biến tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán trong tháng 9 qua, chứng tỏ việc kiên định của Chính phủ trong việc điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ từ nay đến hết năm.

Đó là chính sách tiền tệ còn chính sách tài khóa, nhất là việc quyết định dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương hàng năm? Có thể nói, hầu như trong mọi kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu có nhận xét, có bàn về ngân sách Nhà nước chẳng qua chỉ để… bàn chứ thực ra chẳng giải quyết được gì? Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội thừa nhận, việc quyết định dự toán và phân bổ ngân sách Nhà nước của Quốc hội còn nhiều bất cập. Trước hết là do thời gian nhận định quá ít vì báo cáo, thông tin, tài liệu của các cơ quan gửi tới chậm. Nội dung lại chưa thể đáp ứng được yêu cầu của cơ quan thẩm tra. Trong khi đó, đội ngũ chuyên gia, cán bộ giúp việc cho công tác thẩm tra các báo cáo lại mỏng và hạn chế. Hiệu lực thi hành các nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm chưa cao.

Cụ thể, một số mức chi đã được Quốc hội quyết định cho các lĩnh vực như đào tạo giáo dục, khoa học công nghệ… một số địa phương phân bổ thấp hơn hoặc không phân bổ. Trên thực tế còn một số khoản thu ngân sách Nhà nước chưa đưa vào cân đối như thu xổ số kiến thiết, phí để lại cho các đơn vị sự nghiệp công lập, vốn trái phiếu Chính phủ. Ông Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhấn mạnh, việc chưa đưa các khoản thu nói trên vào thu, chi ngân sách Nhà nước có nghĩa là Quốc hội quyết định chưa đầy đủ, toàn diện và thống nhất dự toán ngân sách Nhà nước.

Về mặt pháp lý, Quốc hội phải nắm trong tay và quyết định phân bổ ngân sách Trung ương, trong đó có dự toán chi cho từng bộ, ngành, song Chính phủ lại khoán kinh phí cho một số cơ quan thuộc các bộ, ngành với mức chi cao hơn so với định mức phân bổ ngân sách chung dẫn đến có biểu hiện không công bằng về thu nhập, về nguồn lực của các cơ quan trong cùng một hệ thống, một bộ, ngành. Ở các quốc gia trên thế giới có thể nói hơi quá rằng, Chính phủ muốn chi dù một đồng, một cắc “ngân sách cũng phải được hạ viện, thượng viện, Quốc hội cân nhắc, đắn đo. Không có chuyện ngân sách Quốc gia muốn chi như thế nào… tùy ý.

Vì thế Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội kiến nghị sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước theo hướng đổi mới các quy định về phân định nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách. Từng bước xóa bỏ tình trạng “lồng ghép” của hệ thống ngân sách Nhà nước theo nguyên tắc ngân sách cấp nào thì do cấp đó quyết định. Dường như năm nào dự toán thu ngân sách Nhà nước cũng được Chính phủ thực hiện vượt nhiều so với dự toán và coi đó như một “thành tích”. Thu cao hơn dự toán và dự kiến là có thêm nguồn để tăng đầu tư cho các dự án, công trình an sinh xã hội, lượng thu vượt 5-10% có thể chấp nhận được, còn cao hơn 10% thì cần xem xét lại việc xây dựng dự toán ngân sách.

Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước, có một vấn đề không thể chờ đợi. Đó là tăng cường tính công khai, minh bạch ngân sách, tạo điều kiện cho Quốc hội, cộng đồng, có thể giám sát kiểm tra để hạn chế những thất thoát lãng phí. Rất nhiều thứ cần phải minh bạch, nhất là tiền bạc càng cần phải phân minh, rõ ràng.