Thủy điện xả lũ nhưng vẫn phải lo tích nước mùa khô

ANTD.VN - 6h sáng nay 22-7, thủy điện Hòa Bình phải mở thêm 1 cửa xả lũ trong khi lượng nước về hồ vẫn cao. Dự báo, những ngày tới mưa lũ khu vực thượng nguồn vẫn diễn biến phức tạp. 

Sau 2 ngày mở 2 cửa xả đáy xả lũ, chạy hết công suất 8 tổ máy, mực nước tại thủy điện Hòa Bình vẫn cao hơn khi chưa xả bởi lượng nước về hồ rất lớn. Dự báo, sau khi thủy điện Hòa Bình tăng 1 cửa xả, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng ở mức báo động (BĐ) I.

Thủy điện xả lũ nhưng vẫn phải lo tích nước mùa khô ảnh 1Thủy điện Hòa Bình mở 3 cửa xả lũ

Tăng lượng xả, mực nước hồ thủy điện vẫn cao

Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai, do mưa lớn kéo dài suốt những ngày qua cộng với thủy điện Hòa Bình và Sơn La xả lũ, mực nước trên sông Lô, sông Thao tăng nhanh. Vào sáng 21-7, lượng nước về thượng nguồn sông Thao tăng đột biến từ 1.500m3/s lên 3.000m3/s. Việc tăng xả lũ cũng đã khiến mực nước lũ trên sông Hồng tại Lào Cai tăng nhanh, lên mức 80,97m, vượt BĐ I 0,97m. Dự báo lũ trên sông Hồng tiếp tục lên và đạt đỉnh 81,50m (dưới BĐ II khoảng 0,5m).

Sau 2 ngày xả, mực nước các hồ thủy điện lớn ở phía Bắc như Sơn La, Tuyên Quang và Hòa Bình vẫn cao hơn quy trình từ   8-9m. Trong khi đó, dự báo trong 10 ngày tới, ở khu vực thượng nguồn phía Bắc (bao gồm cả Trung Quốc) vẫn có mưa lớn nên lượng nước về các hồ tiếp tục tăng mạnh. Trước tình hình này, ông Đào Ngọc Tuấn, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi cho rằng, cần mở thêm cửa xả đáy tại thủy điện Hòa Bình (lên 4 cửa xả). “Chúng ta lo cho an toàn là cần thiết nhưng đã mở 2 cửa xả mà mực nước sông Hồng tại hạ du (Hà Nội) vào sáng 21-7 mới ghi nhận ở mức 7-7,5m, chưa tới BĐ I. Bởi vậy, nên mở tăng lên 4 cửa xả để đảm bảo an toàn cho hồ”, ông Đào Ngọc Tuấn đề xuất.

Trong khi đó, nhận định về mưa lũ trong thời gian tới, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thông tin, từ ngày 26 đến cuối tháng 7, đầu tháng 8, khu vực thượng nguồn các sông phía Bắc có khả năng xuất hiện mưa lớn. Dự báo mưa diễn ra trong 3 tuần, kéo dài đến giữa tháng 8.

Dù vậy, các khu vực Tây Bắc, thượng nguồn sông Đà ở phía Trung Quốc lượng mưa xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN). Tuy nhiên, tổng lượng mưa trong tháng 8 ở khu này dự báo vẫn thiếu hụt so với TBNN từ 100mm-200mm. Mùa mưa ở Bắc bộ dự báo sẽ kết thúc sớm, dòng chảy các hồ chứa từ nay đến 25-7 duy trì ổn định và giảm dần; đến 31-8, sẽ giảm mưa ở khu vực Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu từ 10-20% so với TBNN.

Đang mùa lũ, vẫn phải tính mùa khô

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam  (EVN) lo ngại vấn đề tích đủ nước phục vụ mùa khô: “Cuối tháng 7 đến giữa tháng 8 lượng mưa thấp và khó có lũ lớn. Chúng tôi lo ngại với hình thái mưa ở lưu vực sông Đà ít, thiếu hụt 10-20%, thậm chí 30% thì sẽ khó tích đủ nước phục vụ mùa khô”.

Về kế hoạch xả lũ 2 hồ Sơn La, Hòa Bình trong những ngày tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Tình hình đang diễn ra phức tạp đòi hỏi phải hành động đồng bộ. Chúng ta phải tính toán đa chiều, cả chiều hạn, cả chiều lũ. Vì vậy, thống nhất quyết định xả thêm một cửa đáy ở thủy điện Hòa Bình từ 6h sáng 22-7 còn hồ Sơn La giữ nguyên”, ông Nguyễn Xuân Cường cho hay.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, mưa lớn vẫn được dự báo diễn biến phức tạp ở khu vực thượng nguồn trong những ngày tới, do vậy, nếu không có giải pháp tốt, có thể sẽ ảnh hưởng đến an toàn hồ đập. Tuy nhiên, nếu xả lũ không khoa học thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến hạ du, công trình thuỷ điện… Nhiệm vụ quan trọng của các bộ, ngành trong thời gian tới là đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện, các công trình đê điều, hồ đập thủy lợi, đảm bảo an toàn hạ du. Đồng thời, cần tính toán tích nước đủ để sử dụng trong mùa khô, cả cho cấp điện và phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Biển Đông xuất hiện áp thấp nhiệt đới

Chiều 21-7, vùng áp thấp trên Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13h ngày 22-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/h), giật cấp 8-9. Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng biển khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh.