Thủy điện xả lũ, người nuôi cá lồng thiệt hại nặng

ANTD.VN - Người nuôi cá lồng, bè tại Hòa Bình, Phú Thọ đang đứng trước nguy cơ trắng tay vì thủy điện xả lũ. Trong khi đó, mưa lũ tại phía Bắc vẫn diễn biến phức tạp. 

Sau 21 năm, thủy điện Hòa Bình mới đồng loạt mở 3 cửa xả đáy để giảm mực nước. Thủy điện Sơn La cũng đang mở 1 cửa xả, thủy điện Tuyên Quang cũng đã phải mở 1 xả đáy. 

Thủy điện xả lũ, người nuôi cá lồng thiệt hại nặng ảnh 1Các hộ nuôi cá lồng ở Phú Thọ khóc ròng vì cá chết hàng loạt

Nước thủy điện vẫn cao, bão lại đe dọa

Theo dự báo, áp thấp trên Biển Đông sẽ tiếp tục gây mưa lũ lớn cho phía Bắc.

Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 7h sáng 23-7, mực nước tại hồ Hoà Bình là 105,92 m, giảm chút ít so với thời điểm mở cửa xả đầu tiên vào ngày 18-7, nhưng vẫn cao hơn mức cho phép 4,92 m. Hồ thủy điện Sơn La vẫn duy trì 1 cửa xả và mức nước cao hơn giới hạn cho phép 3,7 m. Bởi, theo Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai, lưu lượng nước về Hòa Bình hiện vẫn rất lớn. Cụ thể, lưu lượng nước xả ra vào 7h sáng 23-7 đạt 7.240m3/s (tổng cả 3 cửa xả) thì lưu lượng nước về hồ cùng thời điểm cũng đạt 6.200m3/s. Bên cạnh đó, thủy điện Tuyên Quang cũng đã mở 1 cửa xả đáy vào 14h ngày 22-7 với lưu lượng 993m3/s vào lúc 7h sáng 23-7. 

Mực nước sông Hồng ở Hà Nội lúc 7h sáng 23-7 là 7,54 m, so với cùng thời điểm hôm qua tăng 0,7m. Dự báo sáng 24-7, mực nước tiếp tục lên 7,8 m (dưới báo động I là 1,5 m). Trong khi đó, các sông trên hệ thống sông Thái Bình biến đổi chậm và dự kiến đến tối nay khả năng ở mức 3,3 m. 

Cá lồng chết hàng loạt

Việc thủy điện Hòa Bình tăng lượng xả lũ đã và đang gây ra thiệt hại cho người dân vùng hạ du, điển hình là các hộ dân nuôi cá lồng ở Phú Thọ và Hòa Bình. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ cho biết, Sở đã tổ chức đoàn đi kiểm tra thực tế tại các xã có cá lồng bị chết và đã lấy mẫu nước để gửi đi xét nghiệm tìm ra nguyên nhân. “Chúng tôi cũng chỉ đạo Chi cục Thủy sản thống kê tổng hợp các hộ bị thiệt hại để đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ”, ông Nguyễn Ngọc Sơn thông tin. 

Tuy nhiên, nguyên nhân ban đầu được xác định là do Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy lũ khiến lượng bùn tăng lên làm cá bị ngạt khí. Trên toàn tuyến sông Đà có 444 lồng cá của các hộ dân thuộc hai huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy. Đến ngày 22-7, đã có khoảng 200 lồng cá bị chết, thiệt hại khoảng 350 tấn.

Còn tại Hòa Bình, hàng chục tấn cá các loại như cá tầm, cá trắm… của các hộ dân ở TP Hòa Bình và huyện Kỳ Sơn đang vào vụ thu hoạch đã chết trắng tại các lồng bè nuôi khiến người dân khóc ròng. Cá chết số lượng nhiều dồn dập trong 3 ngày khiến người dân xử lý không kịp. Theo các hộ dân, số cá này một ít được bán cho thương lái với giá chỉ bằng 1/10 so với giá trị thực, còn lại hầu hết cá chết bị thối bán cho các hộ thu gom về bón cây với giá chỉ 1.000-2.000 đồng/kg.

Theo người dân, nguyên nhân được xác định là do thủy điện Hòa Bình xả lũ mấy ngày qua khiến cá bị sặc nước do lưu lượng dòng chảy lớn và bị ngạt khí do độc tố từ bùn đáy tác động dẫn tới chết hàng loạt. Các chủ bè cho hay, do việc xả lũ chỉ được thông báo trước 2 ngày khiến họ xoay xở không kịp để di dời bè cá. Tuy vậy, đến thời điểm này, phía Nhà máy thủy điện Hòa Bình cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam chưa có ý kiến gì về việc có đền bù thiệt hại cho các hộ dân nuôi cá lồng ở Hòa Bình và Phú Thọ hay không. Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai cũng chưa bày tỏ quan điểm về việc này.