Cái lắc lư, ồn ào trong khoang tàu, tiếng xình xịch của bánh sắt cọ vào đường ray cho hành khách cảm giác lạ. So với phượt bằng xe máy trên các cung đường, thì phượt bằng tàu hỏa cho lữ khách nhiều trải nghiệm hơn. Đêm trên tàu thường là những cuộc tụ tập nói chuyện giữa các hành khách, từ lạ thành quen; họ chia sẻ cho nhau đủ thứ, tấm chăn ấm, miếng bánh đặc sản quê hương.
Nhiều người đi tàu Thống Nhất thường lo nhất chuyện ăn uống bởi cả hành trình dài, tàu chỉ dừng ở các ga từ 5 đến 15 phút là cùng nên không thể xuống ga ăn được. Trước đây, suất ăn cho mỗi hành khách được tính luôn trên giá vé, nhưng từ năm 2008, suất ăn được tách riêng, hành khách ăn phải tự trả tiền. Cứ mỗi sáng hoặc chiều, nhân viên nhà tàu lại đi một vòng các khoang hành khách để xem có hành khách nào đặt cơm.
Thông thường bữa sáng chỉ có xôi ruốc. Còn các bữa trưa và tối có cơm, rau, thịt gà, thịt lợn, đậu, trứng... Đồ uống có nước suối, cà phê, nước ngọt. Nhưng phải nói thật rằng đồ ăn trên tàu thường không ngon. Bữa tối, thay vì đăng ký suất ăn theo lời mời của nhân viên nhà tàu, tôi đến khoang cuối ăn cơm suất với giá 30.000 đồng vì sợ mùi thức ăn sẽ bám vào chăn đệm trong khoang. Nhưng chỉ đi chậm một chút là chẳng còn gì mà ăn. Thực tế với điều kiện chật chội trên tàu, nhà bếp phải phục vụ hàng trăm suất ăn một lần nên rất khó có một bữa ăn như mong muốn với giá phải chăng.
Nhiều lần như thế nên mỗi khi đi tôi “thủ” một ít mỳ tôm theo người, khi nào đói chỉ cần xuống cuối toa trần mỳ với nước nóng là xong, vừa ăn vừa ngắm cảnh bên ngoài cũng thú. Nếu thèm cà phê, lữ khách có thể gọi một ly đen đá với giá 10.000 đồng từ xe đẩy của nhân viên nhà tàu. Cách uống cà phê cũng lạ, nhân viên thường yêu cầu khách hàng thưởng thức cà phê bằng ống hút để tránh bị “sặc” khi tàu xóc lắc.