Thưởng - phạt nghiêm minh với cán bộ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Muốn chống dịch thành công, ngoài nỗ lực của ngành y tế và ý thức của người dân, thì trách nhiệm của cán bộ các cấp có vai trò quan trọng. Vì thế, khen thưởng và xử phạt nghiêm minh cán bộ trong phòng, chống Covid-19 là việc làm cần thiết nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.
Khen thưởng đột xuất các cán bộ có thành tích trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại huyện Mèo Vạc, Hà Giang

Khen thưởng đột xuất các cán bộ có thành tích trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại huyện Mèo Vạc, Hà Giang

Xử lý nghiêm cán bộ chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch

Thời gian gần đây, hàng loạt cán bộ ở nhiều địa phương đã bị xử lý trách nhiệm vì chủ quan, lơ là trong công tác chống dịch, vì năng lực yếu kém trong triển khai công việc đối phó với dịch bệnh Covid-19.

Hồi đầu đợt dịch thứ 4, ở tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam đã bị phê bình nghiêm khắc vì không làm tốt công tác quản lý, giám sát công dân cách ly tại nhà; Chủ tịch UBND huyện Tân Yên bị phê bình và tạm đình chỉ hoạt động điều hành vì lơ là chống dịch “dẫn đến hậu quả nghiêm trọng”; Chủ tịch UBND TP Bắc Giang và Ban chỉ đạo chống dịch thành phố bị phê bình do không giám sát nghiêm phòng, chống dịch dẫn đến nhiều ca nhiễm dương tính liên quan đến ổ dịch Công ty may Baian Vina.

Tiếp đó, hồi đầu tháng 8-2021, 2 cán bộ ở tỉnh Bình Định cũng đã phải chịu hình thức kỷ luật vì đi đánh golf tại quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn trong thời gian tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định, bị đình chỉ công tác 30 ngày; ông Nguyễn Công Thành, Phó cục trưởng Cục thuế Bình Định, bị đình chỉ công tác 15 ngày.

Cuối tuần qua, UBND quận 8, TP.HCM đã ban hành cùng lúc 2 quyết định tạm đình chỉ và điều chuyển công tác đối với 2 chủ tịch phường 15 và phường 16. Việc cùng lúc xử lý những người đứng đầu công tác phòng, chống dịch ở cơ sở là động thái rất cứng rắn của chính quyền quận 8 trong nỗ lực thực hiện nghiêm giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều địa phương như Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Sóc Trăng, Bến Tre, Đắk Lắk cũng đã kiên quyết kỷ luật, phê bình cán bộ vì lơ là, chậm trễ để xảy ra bùng phát dịch. Trước đó, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng bị phê bình vì chậm trễ trong việc mua sắm trang thiết bị và thanh toán kinh phí xét nghiệm cho các cơ sở y tế đặt hàng liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Sự lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được cảnh báo không chỉ đối với những người bình thường, những người đã được chữa trị và đủ điều kiện rời khỏi khu cách ly tập trung, mà đối với cả lực lượng chức năng, cán bộ chuyên môn và chính quyền cơ sở tại các địa phương trong cả nước. Thực tế cho thấy, để dịch bùng phát như hiện nay và có nguy cơ còn phức tạp hơn nữa có một phần trách nhiệm của chính quyền một số địa phương và các cá nhân, tổ chức.

Mặt trận phòng chống dịch Covid-19 là một trận tuyến kết nối từ hệ thống chính trị đến toàn dân. Mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân là một mắt xích xung yếu cần luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phòng chống dịch bệnh. Bất kỳ một trong những mắt xích xung yếu lơ là, hậu quả phức tạp có thể xảy ra.

Siết chặt đội ngũ, kỷ luật mới chiến thắng được “giặc Covid-19”

Dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài và diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh vaccine khan hiếm, chưa biết lúc nào mới có thể đạt miễn dịch cộng đồng, tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 để bảo vệ sức khỏe của nhân dân vẫn là nhiệm vụ cấp bách. Trong bối cảnh “giặc Covid-19” đang lấn tới, chúng ta càng phải siết chặt đội ngũ, siết chặt kỷ luật chiến trường. Bởi chỉ cần “một người lơ là, cả xã hội vất vả”, mọi sự lơ là, chủ quan, dù chỉ là nhỏ nhất, cũng có thể phải trả giá rất đắt là sức khỏe thể chất và tinh thần, tính mạng và lòng tin của nhân dân đối với công tác phòng chống dịch của đất nước.

Vì thế, những cán bộ làm tốt trong công tác phòng, chống dịch phải được kịp thời ghi nhận, biểu dương, khen thưởng. Những ai làm không tốt, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả, nhất định phải nhắc nhở, phê bình, xử lý. Điều quan trọng là phải khơi dậy trách nhiệm, sự lăn lộn, hy sinh của cán bộ, đảng viên. Bởi đây chính là động lực giúp tạo niềm tin, khuyến khích người dân cùng thực hiện tốt các chủ trương, giải pháp. Đảng viên đi trước, làng nước đi sau, cán bộ phải làm tốt, phải gương mẫu thì bà con mới nghe theo, làm theo.

Mới đây, phát động phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu cấp ủy và chính quyền các cấp đề cao trách nhiệm nêu gương, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, áp dụng đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch; kiểm soát tốt tình hình, có các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó trong mọi tình huống.

Trên thực tế, nhiều địa phương đã chủ động có nhiều cách làm nhằm phát huy vai trò cán bộ, đảng viên trong phòng, chống dịch Covid-19. Tại Đà Nẵng, Thành ủy đã đề nghị tất cả các chi bộ trên địa bàn dân cư phân công nhiệm vụ từng đảng viên trong chi bộ, mỗi đồng chí phụ trách 10 hộ gia đình, từ nhắc nhở, quản lý, theo dõi đến yêu cầu cách ly hộ và chịu trách nhiệm trước chi bộ về nhiệm vụ được giao. Các chi bộ xem đây là điều kiện để đánh giá đảng viên trong chi bộ. Thành ủy Đà Nẵng cũng đề nghị 50% cán bộ công chức, viên chức làm việc ở nhà phải tham gia công tác phòng, chống dịch tại địa phương nơi mình sinh sống.

Tại Bắc Giang, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát trở tại, Tỉnh ủy đã lên các phương án không chế, kiểm soát và dập dịch, trong đó, việc lựa chọn những người có đủ năng lực, phẩm chất vào vị trí lãnh đạo các tiểu ban phòng, chống dịch quan trọng. Căn cứ vào sở trường, tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên để phân công nhiệm vụ. Để kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch, hàng ngày, các đoàn công tác của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đều có mặt ở cơ sở, đặc biệt là các điểm nóng về dịch bệnh. Qua đó nắm tình hình thực tiễn để có điều chỉnh, nhắc nhở phù hợp với lãnh đạo địa phương. Ai làm tốt được biểu dương; ai còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm, chưa tốt bị phê bình, nhắc nhở, thậm chí đình chỉ công tác.

Trong khó khăn, dịch họa, vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên đóng vai trò rất quan trọng, thậm chí là then chốt. Có thưởng phạt nghiêm minh, nhất là người đứng đầu, trong phòng chống dịch thì mới hy vọng đại dịch Covid-19 sớm được kiểm soát, đẩy lùi.