Thương mại số có thể mang lại hàng tỷ USD cho Việt Nam

ANTD.VN - Theo các chuyên gia kinh tế, đến năm 2030, giá trị thương mại nội địa trên nền tảng số có thể đạt 42 tỷ USD, trong khi đó, xuất khẩu số cũng được dự báo mang lại 28,7 tỷ USD.

Thương mại số có thể mang lại doanh thu lớn cho nền kinh tế

Chia sẻ tại hội thảo “Cách mạng dữ liệu: Thương mại trên nền tảng số và cơ hội cho Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, TS Konstantin Matthies, Công ty AlphaBeta cho rằng, thương mại trên nền tảng số đem lại giá trị thương mại nội địa cho nền kinh tế Việt Nam trị giá lên tới 81 nghìn tỷ đồng (3,5 tỷ USD) thông qua việc thúc đẩy các công nghệ kỹ thuật số giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí và tạo ra nguồn doanh thu mới.

“Giá trị kinh tế này tương đương với 1,7% GDP Việt Nam. Mặc dù điều này cũng đi theo xu thế chung với các nước như: Malaysia, Philippines, con số này vẫn ít hơn so với các nền kinh tế tiên tiến ở châu Á- Thái Bình Dương, như Australia (là 3%)”- TS Konstantin Matthies nói .

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng, tỷ lệ thâm nhập của các công nghệ kỹ thuật số tại Việt Nam còn tương đối thấp, cho thấy tiềm năng lớn để có tác động cao hơn trong tương lai. Đến năm 2030, con số này có thể tăng gấp 12 lần, đạt 953 nghìn tỷ đồng (42 tỷ USD).

Tương tự, về xuất khẩu số của Việt Nam, năm 2017 ước tính giá trị đạt hơn 97 nghìn tỷ đồng (4,3 tỷ USD). Với con số như vậy, ngành này trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ 8 của quốc gia, chiếm 2% tổng giá trị xuất khẩu.

“Nếu toàn bộ thương mại trên nền tảng số được hỗ trợ, xuất khẩu số của Việt Nam có khả năng tăng gấp 7 lần, đạt 652 nghìn tỷ đồng (28,7 tỷ USD) vào năm 2030. Đối với các sản phẩm được hỗ trợ bằng kỹ thuật số, giá trị của các sản phẩm xuất khẩu qua nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chỉ tập trụng vào hàng tiêu dùng nhanh (FMCG)”- đại diện Công ty AlphaBeta cho hay.

Thực tế cho thấy, các nền tảng thương mại điện tử có thể là cửa ngõ quan trọng để kết nối các thương hiệu trong nước với thị trường nước ngoài và là nguồn tăng trưởng mới trong tương lai cho các lĩnh vực truyền thống như sản xuất thực phẩm.

Theo thống kê của các chuyên gia, hiện có khoảng 12% giao dịch hàng hóa toàn cầu được thực hiện thông qua thương mại điện tử quốc tế, chủ yếu được hỗ trợ bởi các nền tảng như: Alibaba, Amazon, eBay, Flipkart và Rakuten.

Tại Việt Nam, cà phê Trung Nguyên được xem là một ví dụ về doanh nghiệp Việt tận dụng cơ hội xuất khẩu thương mại điện tử. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang tìm kiếm thị trường xuất khẩu điện tử. Doanh nghiệp Việt Nam trên nền tảng eBay có nhiều khả năng rằng tham gia xuất khẩu hơn so với doanh nghiệp không sử dụng nền tảng này.

Theo khảo sát năm 2016 của Cục thương mại điện tử và công nghệ thông tin (VECITA), 32% doanh nghiệp tại Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ hợp tác B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) với các đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến và 11% đã tham gia một nền tảng thương mại điện tử; 45% doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đã có trang web cho phép người tiêu dùng mua sản phẩm trực tuyến.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp Việt vẫn chưa chạm tới cơ hội xuất khẩu, với dưới 13% doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia xuất khẩu trong năm 2015 (so với trung bình 16% ở các nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương).

Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc thu hẹp khoảng cách với thị trường toàn cầu. Họ thường thiếu các nguồn lực để nghiên cứu cơ hội bán hàng ra quốc tế, xây dựng mạng lưới kinh doanh toàn cầu và quảng bá sản phẩm ra thế giới.