Thương mại điện tử Việt Nam nằm trong top 10 thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với tốc độ tăng trưởng trung bình 20%/năm, tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam nằm trong nhóm “top 10” thế giới và dự đoán tiếp tục thăng hạng trong 2 năm tới.
Thương mại điện tử Việt Nam đang ở thời kỳ phát triển rực rỡ

Thương mại điện tử Việt Nam đang ở thời kỳ phát triển rực rỡ

Sáng 1-12, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã tổ chức hội nghị phát triển thương mại điện tử Việt Nam với chủ đề “Phát triển thương mại điện tử bền vững”.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, TMĐT Việt Nam đang trải qua giai đoạn 10 năm phát triển rực rỡ. Những năm gần đây, TMĐT Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc ở mức 16 - 30%/năm và dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023 này.

TMĐT ngày càng khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Thị trường TMĐT Việt Nam cũng đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ thứ cấp cho thị trường gồm dịch vụ nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch TMĐT, các dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến, dịch vụ chuyển phát…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, TMĐT Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics TMĐT còn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường; niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến...

Bà Lê Hoàng Oanh- Cục trưởng Cục TMĐT&KTS (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường TMĐT Việt Nam đang được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nằm trong nhóm top 10 thế giới và dự đoán tiếp tục thăng hạng trong 2 năm tới.

Dù vậy, để phát triển bền vững, TMĐT Việt Nam cần duy trì một tốc độ tăng trưởng tích cực, ổn định; đảm bảo sự cân bằng và hài hòa và phát triển xanh. Thương mại điện tử cũng là lĩnh vực có thể đóng góp nhiều vào việc tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu rác thải độc hại cho môi trường; niềm tin; nguồn nhân lực.

“TMĐT là lĩnh vực mới, đang phát triển nhanh nhưng quy mô nguồn nhân lực chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Hiện nay, ước tính chỉ có 30% nhân lực tại các công ty cung cấp giải pháp TMĐT được đào tạo chính quy. Như vậy, có tới 70% nhân sự TMĐT ở những đơn vị này được tuyển dụng từ những chuyên ngành đào tạo khác như thương mại, kinh doanh, công nghệ thông tin…”- bà Lê Hoàng Oanh nói.

Theo ông Nguyễn Thế Hiệp- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Hà Nội hiện đứng thứ hai cả nước về TMĐT. Với khoảng 8,5 triệu dân, Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển TMĐT.

Những để phát triển mạnh mẽ hơn, theo ông Nguyễn Thế Hiệp, các doanh nghiệp TMĐT cần giải quyết được các vấn đề hiện nay như: quản lý kinh doanh qua mạng xã hội, ngăn chặn tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân, các hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, chất lượng hàng hóa không đảm bảo…