Nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực thuế của hoạt động thương mại điện tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Không kê khai thu nhập đầy đủ, trốn tránh kê khai thu nhập bằng các hành vi như thu tiền mặt, phân bổ doanh thu vào các tài khoản khác nhau… là những hành vi vi phạm phổ biến về thuế trong thương mại điện tử (TMĐT).
Vi phạm về thuế trong hoạt động TMĐT diễn ra phổ biến

Vi phạm về thuế trong hoạt động TMĐT diễn ra phổ biến

Ông Bùi Trung Hiếu- Phó trưởng phòng (Cục thanh tra, kiểm tra thuế- Tổng cục thuế) cho biết, hoạt động TMĐT hiện nay tồn tại rất nhiều hành vi vi phạm về thuế, gây thất thu thuế và tạo ra sự bất bình đẳng với các loại hình kinh doanh khác.

Các hành vi vi phạm phổ biến liên quan đến doanh thu và chi phí là: không kê khai thu nhập đầy đủ; Trốn tránh kê khai thu nhập bằng các hành vi như thu tiền mặt, phân bổ doanh thu vào các tài khoản khác nhau do người khác đứng tên, kê khai giao dịch không chính xác nội dung; Kê khai sai thuế suất do xác định sai mặt hàng cung cấp có bao thầu nguyên vật liệu...

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp lại chưa kê khai thuế nhà thầu các khoản chi phí quảng cáo trên các trang mạng xã hội; Chưa phân biệt rõ thu nhập của cá nhân với doanh thu Công ty do chi trả toàn bộ doanh thu vào tài khoản cá nhân; Chưa rõ mặt hàng cung cấp nên xác định sai thuế suất.

Một số trường hợp khác lại hạch toán khống các khoản chi phí nhân công (thay thế cho các chi phí chi trả cho Google); Cố ý để ngoài sổ sách kế toán các khoản chi phí chi trả cho Google để tương ứng với doanh thu để ngoài sổ sách…

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan thuế xác định vi phạm được các hành vi vi phạm. Cùng với việc xử lý vi phạm, cơ quan thuế cũng tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức liên quan đến thuế nhưng vi phạm vẫn diễn ra.

Để chống thất thu thuế, cơ quan thuế thường xuyên thực hiện rà soát, phân loại, theo dõi và thường xuyên cập nhật thông tin các công ty đang tổ chức hoạt động kinh doanh, phát sinh thu nhập từ các hình thức kinh doanh thuộc lĩnh vực TMĐT trong phạm vi địa bàn quản lý theo các nhóm đối tượng cụ thể: doanh nghiệp có thu nhập từ các tổ chức nước ngoài (như Google, Fecebook, Apple, Amazone …); doanh nghiệp kinh doanh, bán hàng trực tuyến; doanh nghiệp kinh doanh hoạt động cho thuê nhà trực tuyến thông qua ứng dụng (như Booking.com, Agoda …);

Doanh nghiệp chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài; doanh nghiệp tổ chức, điều hành sàn giao dịch TMĐT (như Lazada, Shoppe…), điều hành ứng dụng (App) trung gian thanh toán (như Vnpay, Airpay, Napas…), ứng dụng (App) trung gian vận chuyển (như Grab, Baemin …) để có giải pháp phù hợp.

Tuy vậy, để ngăn chặn gian lận thuế trong TMĐT hiệu quả hơn, ông Bùi Trung Hiếu cho rằng, bên cạnh các biện pháp kỹ thuật, cần sự chung tay của các Bộ, ngành.

Trong đó mới đây, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Cục TMĐT&KTS (Bộ Công Thương) để kết nối, chia sẻ các thông tin về website, ứng dụng TMĐT;

Bộ Tài chính và Bộ TT-TT cũng ký kết Bản Thỏa thuận phối hợp công tác. Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã làm việc với một số đơn vị thuộc Bộ TT-TT để khai thác, truyền nhận, kết nối thông tin doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới, danh sách cá nhân có phát sinh doanh thu từ quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số, doanh nghiệp trong nước có hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông và sử dụng tài nguyên số;

Đặc biệt, Bộ Tài chính và Bộ Công an đã ký chương trình phối hợp công tác, Tổng cục Thuế đang phối hợp với Cục An ninh mạng để trao đổi thông tin về các cá nhân nhận thu nhập lớn từ quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới (như: Youtube, Facebook, Tiktok), các cá nhân có hoạt động kinh doanh mua, bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên các website thương mại điện tử, mạng xã hội, ứng dụng OTT như: Facebook, Zalo….