Du lịch Việt Nam:

Thương hiệu chưa đủ “níu chân” du khách

ANTĐ - “Chỉ 6% khách quốc tế quay lại Việt Nam”, đó là con số bất ngờ mà Chương trình phát triển năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội - một dự án do Liên minh châu Âu tài trợ đã đưa ra sau khi khảo sát tại Việt Nam. Mặc dù, tổ chức này đã đính chính thông tin, nhưng thêm một lần chúng ta nhìn lại những vấn đề “chưa bao giờ cũ” của du lịch Việt Nam. 

Thương hiệu chưa đủ “níu chân” du khách ảnh 1Nhiều du khách quốc tế đến Việt Nam 1 lần rồi thôi

Thực hư về con số “gây sốc”

Mới đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã trích dẫn một con số “gây sốc” dựa trên báo cáo của Chương trình phát triển năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ - gọi tắt là dự án EU khi khảo sát về du lịch Việt Nam: “Chỉ 6% khách quốc tế quay lại Việt Nam”. Con số hết sức khiêm tốn này đã khiến không ít người ngỡ ngàng và lo ngại về sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam vốn đang được đánh giá cao như một địa chỉ đầy mới lạ và giàu tiềm năng - đối với du khách quốc tế. 

Tuy nhiên, khi liên lạc trực tiếp với dự án EU, chúng tôi được biết, báo cáo này dựa trên cuộc khảo sát đối với 3.000 khách du lịch tại 5 điểm đến là Hạ Long, Sapa, Huế, Đà Nẵng và Hội An trong giai đoạn tháng 3, 4 và tháng 7, 8-2014. Trong đó, các du khách được khảo sát là khách nội địa và khách quốc tế nói tiếng Anh (chưa bao hàm khách du lịch không nói tiếng Anh). Dựa trên những ý kiến của du khách, báo cáo đưa ra số liệu có tới 90% du khách tới những điểm du lịch này lần đầu, trong đó, lượng khách quốc tế quay lại các điểm đến này là khoảng 6%. Các chuyên gia cũng cho biết thêm tỷ lệ khách quốc tế quay lại lần 3 là 2%, từ 4 lần trở lên là 3,2%. Như vậy tổng số khách quốc tế quay lại 1 trong 5 điểm đến là 11,2%.

Xung quanh báo cáo này, ông Kat Partale, chuyên gia Dự án cho biết, các số liệu từ cuộc khảo sát này chỉ phản ánh khách du lịch tại 5 điểm đến, không phản ánh thực tế các điểm du lịch khác ở Việt Nam cũng như ngành Du lịch Việt Nam nói chung. Ông lý giải: “Một khách du lịch đã tới một điểm đến này ở Việt Nam thì họ hoàn toàn có thể quay lại để thăm một điểm du lịch khác trên lãnh thổ Việt Nam, do đó số lượng cũng có thể được tăng lên. Một lý do nữa là khách du lịch đến từ các thị trường châu Á hoặc thị trường Nga, tôi lấy ví dụ thế, không được đưa vào khảo sát, do đó, số lượng hoàn toàn có thể lớn hơn nhiều. Đồng thời, các điểm đến như Hà Nội và TP.HCM cũng không được đưa vào khảo sát".  

Chưa có thương hiệu “đủ tầm”

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2013 về “Chỉ tiêu của khách du lịch trong năm 2013”, xếp đầu bảng trong số những ấn tượng không tốt của du khách đối với du lịch Việt Nam là sự thiếu an toàn khi tham gia giao thông; bị gian lận khi mua hàng hóa, dịch vụ; bị những người bán hàng rong làm phiền; thói quen xả rác bừa bãi hay sự nghèo nàn của các sản phẩm du lịch, dịch vụ.

Ngay tại Hội An, nổi tiếng bởi không gian đặc trưng, với người dân thân thiện, thì khách du lịch vẫn còn phàn nàn bởi tình trạng xả rác xuống sông, xuống lề đường, giá cả mua sắm và chất lượng dịch vụ lưu trú ở mức cao. Hay ở Hạ Long, du khách vẫn chịu cảnh trả tiền bất hợp lý cho những dịch vụ không mấy chất lượng, điều không nên có ở di sản thiên nhiên thế giới. Ngay cả Hạ Long, Sapa, Huế, Đà Nẵng và Hội An - những điểm du lịch được đánh giá là không thể bỏ lỡ khi đến với Việt Nam thì lượng khách “muốn trở lại” vẫn còn rất khiêm tốn, nữa là những điểm du lịch tiềm năng chưa có điều kiện để quảng bá và khai thác.

Dẫu biết tâm lý du khách muốn chọn lựa tham quan, khám phá nhiều nơi khác nhau, thì việc du khách “chỉ đến một lần cho biết” cũng nói lên phần nào tình trạng đáng buồn của du lịch Việt - có thương hiệu nhưng chưa đủ sức hút để “níu chân” du khách.