Thuốc trừ sâu vẫn ngoài vòng kiểm soát

ANTĐ - Quản lý vật tư nông nghiệp và ATTP còn nhiều kẽ hở, tồn tại trong khi địa phương không mặn mà khiến bao năm nay, dù Luật ATTP đã có hiệu lực nhưng cơ quan quản lý vẫn loay hoay, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản và phân bón.

Quản lý thuốc trừ sâu đang bị bỏ ngỏ tại các địa phương

Thanh tra cấp cơ sở có cũng như không

Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29-3-2011 của Bộ NN&PTNT quy định, việc kiểm tra đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông, lâm, thủy sản được coi là “cây gậy” để các đơn vị chức năng và địa phương mạnh tay quản lý. Nhưng đến nay, số lượng địa phương thực hiện ngày càng “ngót”.

Tháng 2-2014 chỉ có 12 địa phương gửi báo cáo kết quả kiểm tra về Bộ NN&PTNT. Đáng nói, kết quả kiểm tra khiến không ít người lo ngại. Cụ thể, kết quả kiểm tra, phân loại các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm sản và thủy sản cho thấy, 100% các cơ sở sơ chế, chế biến động vật và sản phẩm động vật xếp loại C (cơ sở yếu kém, không đủ điều kiện). Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, tái kiểm tra các cơ sở yếu kém này nhưng không hề chuyển biến. Điển hình như, cơ sở thu gom, kinh doanh nguyên liệu thủy sản 90% xếp loại C, cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản có tới gần 95% yếu kém, cơ sở sơ chế, chế biến rau, củ quả 100% yếu kém, không đủ điều kiện. 

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do năng lực thanh tra chuyên ngành ở cơ sở còn hạn chế, cán bộ chưa được đào tạo nhiều về quy chế phối hợp liên ngành ở địa phương, nhiều nơi thanh tra phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực. Một số nơi việc xử lý mới chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính, chưa truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chất lượng của hàng hóa vi phạm. 

Đặt vấn đề lực lượng thanh tra có đủ năng lực để quản lý, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, mặc dù cấp cơ sở cũng có tổ chức thanh tra nhưng hiện rơi vào thực trạng “có cũng như không”. “Con người đào tạo không đến nơi đến chốn, kinh phí lại không có. Nếu thanh tra cơ sở không làm được mà chỉ dựa vào thanh tra Bộ thì không giải quyết được vấn đề”.

Đồng ruộng tắm thuốc trừ sâu

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nêu dẫn chứng, nhiều sản phẩm vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng được phát hiện như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Bà Nguyễn Thị Xuân Thu nhận định: “Chúng ta cứ tuyên truyền người dân nên dùng thuốc trừ sâu nào, sử dụng ra sao nhưng ở địa phương không thực hiện, người dân không biết, không hiểu nên vẫn cứ dùng tràn lan. Tại Kiên Giang, một vựa lúa lớn khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà trung bình một vụ, người dân phun đến 9-13 lần thuốc, như vậy  thì đồng ruộng tắm thuốc”. Thuốc bảo vệ thực vật là lĩnh vực kinh doanh mang lại lợi nhuận cao, đơn vị kinh doanh nào cũng khuyến khích người dân dùng nhiều, vừa thiệt hại cho nông dân, vừa ô nhiễm môi trường mà sản phẩm không đảm bảo ATTP.  

Về thực tế này, ông Ngô Tiến Dũng, Phó Cục trưởng cục BVTV thừa nhận, khâu yếu nhất trong quản lý hiện nay nằm ở cấp xã, phường. “Người dân có buôn bán, sử dụng thuốc ngoài luồng hay không, phun thuốc có đúng quy định hay không đều nằm ở tuyến này. Tuy nhiên, trách nhiệm của chính quyền địa phương hầu như đang bỏ ngỏ, dồn hết lên vai cán bộ quản lý thực vật. Song, lực lượng này lại rất mỏng, trung bình mỗi trạm/huyện chỉ có 3 người, đảm nhiệm từ sâu bệnh đến thuốc, đến ATTP thì quá năng lực”.

Còn ông Nguyễn Xuân Định, Phó Cục trưởng cục Trồng trọt nêu rằng, để tuyên truyền cho người nông dân chuyển sang sử dụng thuốc trừ sâu sinh học rất khó. “Nông dân phun thuốc phải nhìn thấy con sâu chết ngay, vì vậy phải thuốc hóa học có độ độc cao mới đáp ứng được. Thuốc trừ sâu sinh học an toàn nhưng sâu chết từ từ, bà con không thích”. Hơn nữa, Thông tư 14 của Bộ còn quá rườm rà, khó triển khai. “Chúng tôi cũng đã tập huấn cho cấp huyện về Thông tư 14, nhưng khi huyện triển khai xuống xã rất khó. Họ cứ “ù ù càng cạc”, rối hết lên vì nhiều thứ quá”. 

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Xuân Thu nhìn nhận, khi xây dựng Thông tư 14 đã đưa vào quá nhiều quy định rồi không triển khai được. Trong thời gian tới, các Cục, Vụ phải xem xét, giảm các quy định theo hướng dễ hiểu, dễ làm để các địa phương thực hiện. “Chúng ta cần phải xem lại hiệu lực của văn bản cũng như cách chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương. Quy định đề ra rất ghê gớm nhưng thực hiện không đến đâu”.