Thuốc nào cũng độc

ANTĐ - Rất nhiều người ngộ nhận rằng, hễ nuốt trôi viên thuốc thì nó sẽ có tác dụng như lời quảng cáo. Nhưng có người bảo thuốc công hiệu, có người lại “tiền mất, tật mang”.

- Dễ hiểu thôi, đường đi của viên thuốc vào cơ thể rất phức tạp. Thuốc không bị phá hủy trong đường tiêu hóa để thấm vào máu thì mới có tác dụng. Sau đó, các hoạt chất phải qua các phản ứng sinh hóa, rắc rối, nhất là ở gan, vì thế dẫn đến phản ứng phụ. 

- “Hành trình” của viên thuốc vòng vo, rối rắm như thế, cho nên ở ta phải qua tay ba Bộ quản lý mà thuốc đến… miệng người bệnh vẫn “đắng ngắt”.

- “Thuốc đắng dã tật”, được thế thì cũng cắn răng, móc tiền túi ra mua. Đằng này, uống thuốc càng nhiều, dùng càng thường xuyên thì càng “lép” túi, lại thêm chứng nghiện thuốc ngoại. 

- Thuốc nội hay thuốc ngoại đều là hóa chất tổng hợp, ít nhiều đều là độc chất với cơ thể. Nên nhớ Tây y đã cảnh báo rằng, thuốc nào cũng là thuốc độc, vấn đề chỉ ở liều lượng. 

- Khổ thế, nay đau mai yếu không tống thuốc vào thì lấy sức đâu mà lao động, kiếm sống? Giá thuốc còn tăng cao, có khi vét túi mua thuốc xong là hết tiền ăn.

- Có câu: “Đói ăn rau, đau uống thuốc”. Trong khi chờ đợi sắp có ủy ban hoặc hội đồng quản lý giá thuốc, ta nên ăn nhiều rau củ sẽ đỡ đau ốm, khỏi phải “động” đến thầy thuốc, thuốc thang.