“Thuốc đặc trị bệnh” trục lợi khi hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cả ba vị “Tư lệnh” ngành là Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cùng nêu rõ những giải pháp đảm bảo công khai minh bạch và giám sát nhằm phòng ngừa việc trục lợi khi hỗ trợ người dân trong thiên tai, dịch bệnh.
Miền Trung luôn phải căng mình chống chọi sự tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên

Miền Trung luôn phải căng mình chống chọi sự tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên

Nhân lên, lan tỏa những giá trị tốt đẹp

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn về vấn đề làm sao giám sát để ngăn ngừa việc trục lợi trong khi hỗ trợ người dân gặp khó khăn, hoạn nạn trong thiên tai, dịch bệnh. Theo đại biểu Quốc hội, mỗi đợt thiên tai, bão lũ, nhiều tổ chức, cá nhân đứng ra quyên góp làm từ thiện, đây là hoạt động nhân văn, thể hiện lòng yêu nước, thương người như thể thương thân... Tuy nhiên, hệ lụy từ sự tùy tiện trong việc quyên góp cũng như trong công tác quản lý chưa được chặt chẽ dẫn đến việc sử dụng tiền quyên góp đôi khi chưa đúng mục đích và sự “lùm xùm” trên mạng xã hội về tiền từ thiện quyên góp được đã làm mất đi ý nghĩa nhân văn của những tấm lòng thơm thảo, niềm tin của các nhà hảo tâm và người dân.

Vấn đề mà đại biểu Quốc hội đặt ra chất vấn tại nghị trường cũng là vấn đề nóng, được cử tri, người dân và dư luận cả nước quan tâm thời gian qua. Trong đó, có những người nổi tiếng bị nêu đích danh trong việc chậm trễ chuyển tiền quyên góp được, hoặc nghi ngờ về tính minh bạch… với tổng số tiền rất lớn, lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng.

Có thể nói, với đặc điểm địa lý và thời tiết khí hậu của nước ta, hàng năm thường xuyên có những trận thiên tai lớn gây ra những tổn thất, mất mát lớn về người và tài sản. Gần 2 năm qua, sự xuất hiện và bùng phát của đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt dịch thứ tư (bắt đầu từ ngày 27-4-2021 tới nay) cũng gây ra những mất mát, đau thương rất lớn cho người dân, nhất là những người thu nhập thấp, người nghèo, người yếu thế trong xã hội…

Với quan điểm “không bỏ ai lại phía sau”, Đảng và Nhà nước ta bên cạnh các chính sách, biện pháp khẩn trương, quyết liệt khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh để sớm ổn định cuộc sống của người dân, cũng đồng thời rất chú trọng hỗ trợ những người khó khăn, yếu thế. Nhiều biện pháp hỗ trợ khẩn cấp đã kịp thời tới tận tay những người chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh.

Cùng với đó, xuất phát từ truyền thống cũng là đạo lý tốt đẹp bao đời nay của dân tộc “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”… các nhà hảo tâm, thiện nguyện và nhân dân cả nước cũng đã có sự sẻ chia, hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực, hiệu quả đối với đồng bào gặp khó khăn, tổn thất bởi thiên tai, dịch giã.

Vào lúc khó khăn, thử thách, chúng ta đã thấy xiết bao nghĩa cử tốt đẹp của các tổ chức, đơn vị, người dân cả nước hướng về đồng bào chịu thiên tai, dịch bệnh với sự đồng cảm, sẻ chia sâu sắc và sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu, thiết thực. Sự đồng lòng chung sức của mỗi tổ chức, cá nhân đã củng cố thêm sức mạnh chống chọi thiên tai, dịch bệnh; góp phần khích lệ, lan tỏa năng lượng tích cực về tinh thần đoàn kết, về sự sẵn sàng cống hiến, hy sinh khi Tổ quốc cũng như đồng bào cần.

Những sẻ chia, giúp đỡ, ủng hộ quý báu cho các địa phương và nhân dân vùng chịu thiên tai, dịch bệnh lan tỏa ngày càng mạnh mẽ và rộng khắp trên đất nước ta. Góp sức, góp công, góp của tùy theo sức của mình với sự đau đáu hướng về đồng bào nơi khó khăn có khi rất bình dị nhưng lan tỏa những giá trị tương thân tương ái, đùm bọc, sẻ chia lớn lao của đạo lý “một miếng khi đói bằng một gói khi no” đã thành truyền thống của dân tộc.

Công khai, minh bạch để kiểm tra, giám sát

Tuy nhiên, bên cạnh tuyệt đại đa số những người cao cả, trong sáng trong hoạt động thiện nguyện giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả đối với đồng bào chịu tổn thất do thiên tai hay dịch bệnh cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh”, những chuyện “lùm xùm”, thiếu minh bạch… Trong đó có cả những người nổi tiếng với số tiền quyên góp được rất lớn. Dù chỉ là thiểu số ít ỏi song những “lùm xùm” này cũng gây ra dư luận không tốt, thậm chí bức xúc, bất bình trong nhân dân, dư luận, ảnh hưởng ít nhiều tới các giá trị lớn lao, tốt đẹp, có thể dẫn tới suy giảm niềm tin của người dân với hoạt động rất cần được cổ vũ, khuyến khích và phát huy hơn nữa này.

Với trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ, ngành liên quan đã nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, có giải pháp để đảm bảo công khai, minh bạch mọi hoạt động thiện nguyện, quyên góp, hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, khi trả lời chất vấn tại Quốc hội đã cho biết, Bộ Công an đang giao cho Cục Cảnh sát Hình sự tiến hành thụ lý, kiểm tra, xác minh các nguồn tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin của người dân về hoạt động quyên góp, nhận từ thiện, cứu trợ trong đợt mưa lũ xảy ra tại miền Trung năm 2020 của một số nghệ sĩ để làm rõ theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cơ quan công an cũng đã mời các cá nhân, tổ chức có liên quan làm việc, cung cấp các thông tin có liên quan để kết sớm kết luận vụ việc theo quy định của pháp luật.

Cùng với việc kịp thời phát hiện những tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi, chiếm đoạt tài sản, qua đó góp phần tăng niềm tin của người dân, xã hội vào các hoạt động thiện nguyện, quyên góp, Bộ Công an sẽ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tiếp nhận, phân bổ, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn, khắc phục thiên tai, hỏa hoạn, các sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo… theo hướng bổ sung các quy định để hoạt động này đảm bảo công khai, minh bạch.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung sau khi cho biết, trong việc các tổ chức, cá nhân chuyển hàng từ thiện đến người dân “cũng còn điều này, điều kia” đã nêu rõ, vào tháng 12 tới đây, khi Nghị định 93 có hiệu lực thì hoạt động từ thiện, thiện nguyện sẽ đi vào nề nếp. Trước đây các hoạt động này được điều chỉnh theo các quy định tại Nghị định 64, song lại chưa có quy định cụ thể hoạt động huy động tiền thiện nguyện của các cá nhân, tổ chức khác thế nào, khâu cấp phát ra sao.

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Nghị định 64, và mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 93 để thay thế, trong đó nêu rõ cách làm, huy động bằng tiền, quyên góp hiện vật đều có hướng dẫn cụ thể. Người đứng đầu Bộ Tài chính tin tưởng, khi Nghị định 93 có hiệu lực từ tháng 12-2021, hoạt động từ thiện này sẽ được công khai, minh bạch để không chỉ cơ quan quản lý Nhà nước mà người dân các tổ chức đều có thể kiểm tra, giám sát.

Bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào mà lợi dụng, núp dưới vỏ bọc hoạt động từ thiện để trục lợi, chiếm đoạt tài sản đều có thể bị phát hiện, xử lý nghiêm theo pháp luật. Điều này sẽ giúp củng cố niềm tin; tôn vinh, nhân lên và lan tòa những việc làm thiện nguyện, tốt đẹp giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn bởi thiên tai, dịch bệnh.