Từ Quy Nhơn để đến thung lũng Quy Hòa, bạn có thể đi theo QL 1D hoặc vào Khu du lịch Gềnh Ráng, men theo đường đèo quanh co, uốn lượn sát mép biển. Nhìn từ đỉnh đèo, bãi biển Quy Hòa xanh biếc, bờ cát cong cong ẩn hiện dưới tán rừng dương đầy quyến rũ. Đi dạo trong thung lũng, dù đang là mùa hè oi bức, bạn vẫn luôn có cảm giác mát mẻ, bình yên. Sát bờ biển, bạn sẽ được chiêm ngưỡng rất nhiều tượng danh nhân y học đông tây, kim cổ. Trong khuôn viên nhà thờ Quy Hòa còn có mộ và tượng linh mục Paul Maheu (1869 - 1931), người đã tìm ra thung lũng Quy Hòa để xây dựng khu điều trị bệnh nhân phong với tên gọi là Laproserie de Quy Hòa.
Đi vào làng phong, không ít người sẽ ngỡ ngàng bởi quần thể kiến trúc độc đáo bao gồm bệnh viện, trường học, nhà thờ, nhà ở, hệ thống giao thông, công viên… Làng phong Quy Hòa bắt đầu được xây dựng từ năm 1929. Năm 1932, sau một trận bão khủng khiếp, toàn bộ quần thể nhà cửa, kiến trúc tại Quy Hòa bị xóa sổ. Sau đó, sơ Charles Antoine, giám đốc bệnh viện và người phụ tá của mình là sơ Ozithe cùng với các sơ khác vận động tiền của và đặt ra chương trình xây dựng lại bệnh viện và nhà ở cho bệnh nhân. Từ năm 1932 - 1958, có hơn 250 ngôi nhà dành cho bệnh nhân phong lần lượt được xây dựng, nhưng không có nhà nào giống nhà nào. Nhiều người cho rằng, nhà ở và các công trình công cộng trong làng phong Quy Hòa có kiểu kiến trúc của Pháp những năm đầu thế kỷ XX, nhưng không ít người khẳng định đó là kiến trúc của thời Hy Lạp - La Mã cổ đại.
Ở Quy Hòa, bạn còn được tận mắt chứng kiến căn phòng, chiếc giường, bút tích… của nhà thơ Hàn Mặc Tử khi nằm điều trị tại đây để lại. Con cháu của các bệnh nhân phong ngày xưa đã hòa nhập với cuộc sống bên ngoài nên không còn khoảng cách giữa người trong và ngoài làng phong. Trò chuyện cùng họ, bạn không phải lo những chuyện vòi vĩnh, ăn xin… mà luôn được nghe những câu chuyện cảm động về lòng nhân ái, về những con người đã từng đến Quy Hòa làm từ thiện… Không ít người dân ở Quy Nhơn vẫn quen gọi Quy Hòa là thung lũng tình thương.
Tại đây, bạn có thể ăn hải sản tại các nhà hàng, tắm biển và thuê một chiếc võng mắc lên những cây dương nằm nghe sóng biển, riu riu ngủ lúc nào không hay. Bên ngoài thung lũng Quy Hòa cũng có nhiều nhà hàng, quán bán hải sản, gà chỉ… để bạn thưởng thức.
Đến Quy Hòa, bạn không chỉ khám phá quần thể kiến trúc, cuộc sống của người dân địa phương mà còn đắm chìm trong khúc hát ru của rừng dương ven biển, lắng nghe những cảm xúc của tâm hồn mình.