- Giảm trừ gia cảnh: Đề xuất mức 15,5 triệu đồng cho người nộp thuế và 6,2 triệu cho người phụ thuộc
- Trình Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân vào tháng 10/2025
Giảm số bậc tính thuế
Tại dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án sửa đổi biểu thuế lũy tiến, theo hướng giảm số bậc chịu thuế từ 7 bậc hiện tại xuống còn 5 bậc và nới rộng khoảng cách thu nhập.
Mức thuế tối đa là 35% sẽ được áp dụng với thu nhập tính thuế từ 80 triệu đồng trở lên (phương án 1) hoặc từ 100 triệu đồng trở lên (phương án 2).
Cụ thể, sau khi giảm trừ gia cảnh và các chi phí được trừ khi tính thuế khác, mức thuế thu nhập cá nhân sẽ được tính như sau:
![]() |
Hai phương án sửa đổi biểu thuế thu nhập cá nhân |
Theo Bộ Tài chính, việc thu hẹp số bậc thuế sẽ đơn giản trong quản lý, thu thuế, tạo thuận lợi cho kê khai và xu hướng cải cách thuế trên thế giới. Thực hiện theo hai phương án đều đáp ứng được mục tiêu giảm bậc, điều chỉnh thu nhập tính thuế ở từng bậc.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của hai phương án là khác nhau. Đối với Phương án 1, cá nhân có thu nhập tính thuế hiện đang ở bậc 1 sẽ không bị ảnh hưởng (tuy nhiên với việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thì cá nhân đang có thu nhập ở bậc 1 đều được giảm thuế).
Trong khi, các cá nhân hiện đang nộp thuế từ bậc 2 trở lên sẽ được giảm thuế so với hiện nay. Ví dụ, cá nhân có thu nhập tính thuế (thu nhập sau khi giảm trừ gia cảnh và các chi phí được trừ khi tính thuế) 10 triệu/tháng sẽ được giảm 250.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 30 triệu/tháng sẽ được giảm 850.000/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 40 triệu/tháng sẽ được giảm 750.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 80 triệu đồng sẽ được giảm 650.000 đồng/tháng...).
Còn đối với Phương án 2, cơ bản mọi cá nhân có thu nhập tính thuế từ 50 triệu đồng/tháng trở xuống sẽ được giảm thuế tương đương Phương án 1. Còn đối với các nhân có thu nhập tính thuế trên 50 triệu đồng/tháng thì mức độ giảm sẽ nhiều hơn phương án 1, vì vậy số thu NSNN sẽ giảm nhiều hơn Phương án 1.
![]() |
Người nộp thuế được hưởng lợi với những đề xuất sửa đổi mới liên quan đến thuế thu nhập cá nhân |
Tăng mức giảm trừ gia cảnh
Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng đề xuất bổ sung phạm vi xác định các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được giảm trừ khi tính thuế.
Đồng thời, bổ sung quy định cho phép người nộp thuế được trừ một số khoản chi trong năm ở mức độ phù hợp như các khoản chi phí về y tế, giáo dục... trước khi tính thuế nhằm tạo điều kiện cho người nộp thuế tiết giảm được một phần chi phí cho các hoạt động này, phù hợp với thực tiễn phát sinh cũng như tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.Trong diễn biến liên quan, Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến góp ý hồ sơ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân.
Trong đó, Bộ cũng đề xuất 2 phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân như sau:
Đối với Phương án 1, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế sẽ được nâng từ 11 triệu/tháng hiện tại lên 13,3 triệu đồng/tháng (159,6 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc cũng được nâng từ 4,4 triệu đồng hiện nay lên 5,3 triệu đồng/tháng.
Phương án này được tính toán dựa trên biến động của chỉ số CPI, theo đúng quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành, bám sát phương diện cơ sở áp dụng các khoản giảm trừ theo nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và mức độ trượt giá từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020).
Đối với Phương án 2, Bộ đề xuất phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người và tốc độ tăng GDP bình quân đầu người.
Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế được đề xuất tăng lên 15,5 triệu đồng/tháng (186 triệu đồng/năm) và đối với mỗi người phụ thuộc là 6,2 triệu đồng/tháng.
Dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết này tại Phiên họp thứ 50 (tháng 10/2025) và dự kiến mức giảm trừ gia cảnh mới được áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2026.