- Quốc hội xem xét quy định mới về thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu
- Ngân hàng băn khoăn quy định không được thu giữ tài sản bảo đảm bằng biện pháp “trái đạo đức xã hội”
Hội thảo do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Tòa án nhân dân Tối cao và Ngân hàng Nhà nước tổ chức.
Theo ông Phạm Toàn Vượng, Chủ tịch VNBA, trước sự tăng trưởng mạnh mẽ và quy mô ngày càng mở rộng của thị trường tài chính - ngân hàng từ năm 2020 đến nay, các vụ án tranh chấp liên quan đến tổ chức tín dụng (TCTD) cũng không ngừng gia tăng về số lượng và phức tạp về tính chất, làm phát sinh nhiều vướng mắc mới trong giải quyết các vụ án tín dụng.
Các vướng mắc có những nguyên nhân xuất phát từ chính TCTD, nhưng cũng có nguyên nhân do quan điểm nhận thức về pháp luật, cách đánh giá chứng cứ khác nhau giữa những người tiến hành tố tụng.
Điều này đã tạo ra các giải pháp xử lý rất khác nhau, gây rủi ro lớn cho các ngân hàng cho vay và nhận bảo đảm.
![]() |
Các vụ án tranh chấp liên quan đến tổ chức tín dụng không ngừng gia tăng về số lượng và phức tạp về tính chất (Ảnh minh họa) |
Đi vào chi tiết, báo cáo tổng hợp từ các TCTD của Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng đã chỉ ra các "nút thắt" hiện nay, với 3 nhóm nội dung trọng tâm, gồm một số vấn đề về thủ tục tố tụng và thẩm quyền giải quyết; áp dụng pháp luật nội dung và thực tiễn xét xử và thi hành án.
Theo đó, nhiều TCTD phản ánh tình trạng quá trình thụ lý đơn khởi kiện còn chậm, thời gian giải quyết vụ án kéo dài, gây tốn kém chi phí và làm lỡ thời cơ thu hồi nợ. Nhiều vụ việc tố tụng kéo dài nhưng cuối cùng vẫn không giải quyết được triệt để.
Vướng mắc về thẩm quyền, ông Đỗ Quang Phong, Trưởng ban Pháp chế Agribank, nêu một ví dụ điển hình: Một số Tòa án địa phương từ chối thụ lý hồ sơ khởi kiện của ngân hàng với lập luận rằng điều khoản "chọn Tòa án có thẩm quyền để giải quyết" trong hợp đồng là "chưa cụ thể hóa địa điểm Tòa án".
Cách hiểu máy móc này không những làm suy giảm giá trị pháp lý của điều khoản thỏa thuận mà còn mâu thuẫn với bản chất của quyền tự do giao kết hợp đồng và kiến nghị cần có hướng dẫn thống nhất từ TAND Tối cao.
Ngoài ra, còn có những vướng mắc liên quan đến nhận thức và áp dụng pháp luật nội dung, trong đó nổi bật là các vấn đề về Bảo vệ "Người thứ ba ngay tình"; Xử lý tài sản bảo đảm trong vụ án hình sự; Cách tính lãi và phạt vi phạm… Cùng với đó, thủ tục hòa giải chưa hợp lý, dù TCTD đã có đơn từ chối hòa giải vì đánh giá không khả thi, Tòa án vẫn yêu cầu thực hiện, làm kéo dài thời gian một cách không cần thiết.
Đối với "Người thứ ba ngay tình", đây là vấn đề gây nhức nhối nhất. Các TCTD cho rằng đang trở thành "nạn nhân" của quy định này.
Khi một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị Tòa tuyên hủy do sai sót từ phía cơ quan cấp phép hoặc người chuyển nhượng trước đó, giao dịch thế chấp của ngân hàng (bên thứ ba ngay tình) cũng bị vô hiệu theo. Các ý kiến có kiến nghị chung là cần bảo vệ quyền xử lý tài sản của ngân hàng trong trường hợp này.
Bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN cũng cho rằng, các TCTD đang đối mặt rủi ro lớn khi nhận thế chấp tài sản ngay tình nhưng sau đó Tòa án lại tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hướng dẫn của Tòa án đôi khi đặt ra những yêu cầu không khả thi cho ngân hàng, như phải thẩm định toàn bộ lịch sử giao dịch của tài sản (xác minh toàn bộ lịch sử pháp lý của tài sản đến từng cá nhân đã sở hữu trước đó), làm suy yếu vị thế của bên nhận thế chấp hợp pháp.
Đối với vướng mắc về áp dụng lãi suất, theo bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN, đây cũng là một trong những vướng mắc lớn. Tòa án có xu hướng áp dụng giới hạn lãi suất của Bộ luật Dân sự cho các hợp đồng tín dụng, thay vì áp dụng Luật Các TCTD và các văn bản hướng dẫn chuyên ngành.
Bà cũng nêu ví dụ về vụ án Tòa chấp nhận tính lãi trên sổ tiết kiệm của người đi vay nhưng lại bác yêu cầu tính lãi trên dư nợ vay của ngân hàng, gây thiệt hại kép cho TCTD.
Ông Trần Văn Nhiên, Giám đốc Pháp chế Eximbank, đề xuất cần có quy định rõ về thứ tự ưu tiên của bên nhận bảo đảm hợp pháp đối với việc xử lý tài sản bảo đảm trong vụ án hình sự.
Ông kiến nghị hạn chế việc kê biên/phong tỏa tài sản không phải vật chứng và không mở rộng trách nhiệm của TCTD bằng việc tịch thu các khoản tiền trả nợ hợp pháp, trừ khi có bằng chứng TCTD biết đó là tiền phạm pháp.
Bà Đặng Thị Hồng Nhung (Cục Quản lý Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp) cho biết, để thi hành án hiệu quả, bản án của Tòa cần có tính khả thi cao. Bà đề nghị Tòa án chú trọng việc xem xét, thẩm định tại chỗ để xác định chính xác tình trạng tài sản, đảm bảo bản án khi tuyên có thể thi hành được trên thực tế.
Về phía TAND Tối cao, Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến khẳng định TAND Tối cao sẽ rà soát và kiến nghị sửa đổi pháp luật, tiếp thu các đề xuất để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan, đặc biệt là trong Bộ luật Tố tụng Dân sự.
TAND Tối cao cũng sẽ sớm nghiên cứu ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật về các vấn đề nóng như lãi suất, người thứ ba ngay tình, thẩm quyền Tòa án, áp dụng thủ tục rút gọn.