Thủ tướng: Sách giáo khoa lớp 1 chưa phù hợp, đã chỉ đạo rút kinh nghiệm và sửa đổi ngay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình mới có một số điểm chưa phù hợp và Thủ tướng đã chỉ đạo nghiêm túc rút kinh nghiệm, sửa đổi ngay...


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước Quốc hội

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước Quốc hội

Sáng nay, 20-10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10-Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, dự kiến kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021-2025.

Theo đó, năm 2020, trước những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều kết luận, nghị quyết, chỉ thị và chỉ đạo các cấp, các ngành quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép": vừa phòng chống dịch vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đất nước ta đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, được Tổ chức Y tế Thế giới, cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện.

Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2-3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.

Đáng nói, quy mô GDP của Việt Nam hiện tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 và theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, vượt mục tiêu đề ra (5%).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016 - 2020. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực. Bội chi ngân sách nhà nước và nợ công được kiểm soát, giảm so với giai đoạn trước...

Cùng với kinh tế, phát triển văn hoá, xã hội đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu cũng được tăng cường và có những chuyển biến rõ nét. Chỉ số phát triển bền vững năm 2020 của Việt Nam tăng 39 bậc so với năm 2016, xếp thứ 49/166 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Dù vậy, Thủ tướng cũng nêu rõ, bão lũ, thiên tai bất thường vẫn gây thiệt hại rất nặng nề, nhất là lũ lụt lớn ở miền Trung đã gây nhiều tổn thất về người và tài sản. Chia sẻ sâu sắc những đau thương, mất mát của đồng bào, người thân các cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ làm hết sức mình để tập trung khắc phục hậu quả và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thiên tai, bão lũ, vì cuộc sống an toàn của người dân.

Quốc hội đã quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại miền Trung.
Quốc hội đã quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại miền Trung.

Tiếp tục điểm lại các kết quả đã đạt được trong năm 2020 và 5 năm 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, điểm nhấn đáng chú ý là hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh được cải thiện; phòng chống tham nhũng được quyết liệt chỉ đạo.

Đặc biệt, thực hiện nghiêm theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, giai đoạn vừa qua, đã điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh, công khai nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Bên cạnh các kết quả tích cực, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch do tác động của đại dịch Covid-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 không đạt mục tiêu đề ra; khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc; kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững;

Một vấn đề gây nhiều dư luận trái ngược trong thời gian gần đây cũng được Thủ tướng nhắc đến, đó là chương trình, Sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình mới có khối lượng kiến thức quá nặng, gây áp lực cho học sinh, phụ huynh và khó khăn cho giáo viên.

"Sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình mới có một số điểm chưa phù hợp. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiêm túc rút kinh nghiệm, tiếp thu các ý kiến đóng góp để sửa đổi ngay" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói...

Chỉ ra các nguyên nhân và 5 bài học kinh nghiệm rút ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, thời gian còn lại của năm 2020, các cấp, các ngành cần tiếp tục quyết liệt hành động, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện “mục tiêu kép” đã đề ra; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 – 2020.

Các chỉ tiêu chủ yếu mà Chính phủ đề ra trong năm 2021

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%;

Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45 - 47%;

Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%;

Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%;

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%;

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm;

Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%...

Các chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn 2021 – 2025

- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7%; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 - 5.000 USD;

- Tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% GDP;

- Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45%;

- Năng suất lao động tăng bình quân trên 6,5%/năm;

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 là 70%;

- Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm/năm…