Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thu ngân sách tích cực nhưng còn thiếu bền vững

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả thu ngân sách năm 2021, nhưng cũng chỉ ra nguồn thu thiếu bền vững. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần đa dạng hóa nguồn thu, cân đối thu chi chặt chẽ trong năm 2022.

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, ngày 6/1.

Thu ngân sách vượt dự toán

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 ước đạt 1.563,3 nghìn tỉ đồng, bằng 116,4% (vượt 219,9 nghìn tỉ đồng) dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020; trong đó, chủ yếu tăng thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu tiền sử dụng đất; thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất – kinh doanh vượt 14,5% dự toán, tăng 11,3% so với thực hiện năm 2020.

Kết quả thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất ban hành trong năm 2021 khoảng 119,4 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ gần 120 nghìn doanh nghiệp và 20 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Tính cả số miễn, giảm theo các chính sách ban hành năm 2020 nhưng tiếp tục được thực hiện trong năm 2021 là 16,8 nghìn tỷ đồng và hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp 38 nghìn tỷ đồng, tổng số đã thực hiện miễn, giảm, giãn, hỗ trợ trong năm 2021 khoảng 174,2 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi NSNN năm 2021 đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Chi NSNN năm 2021 ước đạt 1.879 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán.

Ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, NSNN đã chi 74 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19; xuất cấp 141,97 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở 33 địa phương.

Riêng tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm hơn năm trước, ước đến hết 31/12/2021 đạt 74,7% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (năm 2020 đạt 82,66%).

Về cân đối ngân sách được đảm bảo, ước tính năm 2021, bội chi NSNN dưới 4% GDP. Dư nợ công cuối năm 2021 được kiểm doát khoảng 43,7% GDP, nợ Chính phủ khoảng 39,5% GDP, dư nợ vay nước ngoài quốc gia khoảng 39% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của chính phủ dưới 23% tổng thu NSNN, trong phạm vi giới hạn an toàn cho phép.

Phải đa dạng hóa nguồn thu

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao thành quả ngành tài chính năm 2021. Đặc biệt, lạm phát được kiểm soát, bội chi ngân sách được kiểm soát thấp hơn chỉ tiêu quốc hội giao, các cân đối lớn thu đủ chi và có dư…

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những thách thức, hạn chế. Theo đó, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp; sức ép lạm phát cao, nhất là chi phí logictic; vốn đầu tư toàn xã hội tăng thấp (năm 2021 chỉ tăng 3,2%); giải ngân đầu tư công còn chậm; áp lực thâm hụt ngân sách gia tăng tăng…

Thu ngân sách đạt kết quả tốt nhưng thiếu bền vững. “Thu thuế chứng khoán tăng 300%, bất động sản tăng 150% so với năm 2020, rất đáng để suy nghĩ. Thu dầu thô cũng tăng 40%, nhưng do giá dầu tăng, khai thác không tăng. Thiếu bền vững là ở đây, vì vậy cần có giải pháp để đa dạng nguồn thu…” – Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính phải xem lại việc xây dựng dự toán đã sát hay chưa, có an toàn quá, thận trọng quá hay không. Cùng với đó có các quyết sách tài chính hợp lý trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài.

“Phải khuyến khích, đa dạng hoá thu ngân sách, khen thưởng kỉ luật ra sao để thu ngân sách không bị triệt tiêu. Để không như địa phương sợ thu năm nay cao năm sau Bộ Tài chính lại giao thêm. Đồng thời, phải giảm những khoản chi không cần thiết. Trong lúc này phải thắt lưng buộc bụng chứ không thể chi tiêu thoải mái được" - Thủ tướng nói.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu chính sách phân bổ ngân sách cần phải được cân nhắc sao cho công bằng, tránh tình trạng quan hệ tốt thì được nhiều, quan hệ không tốt thì được ít.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu chấn chỉnh tình trạng nợ thuế, trốn thuế có xu hướng tăng; cơ cấu lại nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm; giải ngân đầu tư công còn chậm. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán còn chứa đựng nhiều rủi ro, trong đó công tác quản lý chưa tốt.

“Tôi đề nghị chấn chỉnh ngay nếu không sẽ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, phải xử lý để làm lành mạnh hoá nền kinh tế của chúng ta" - Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính bám sát thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, không để xảy ra các vấn đề bất ngờ liên quan đến tài chính ngân sách.