Xuất khẩu nông sản năm 2021 đạt kỷ lục, dự báo thu về 47 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cả năm 2021, xuất khẩu nông sản sẽ thu khoảng 47 tỷ USD, vượt chỉ tiêu so với Chính phủ giao hồi đầu năm hơn 5 tỷ USD.

Số liệu từ Bộ NN&PTNT cho biết, trong 11 tháng của năm 2021, xuất khẩu nông sản đã mang về 43,48 tỷ USD, một con số kỷ lục, trong đó, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 11, xuất khẩu nông sản đạt 4,1 tỷ USD.

Theo tính toán của Bộ này, tháng 12 có thể đạt xuất khẩu trên 4 tỷ USD thì cả năm 2021, xuất khẩu nông sản sẽ thu khoảng 47 tỷ USD, vượt chỉ tiêu so với Chính phủ giao hồi đầu năm hơn 5 tỷ USD. Đây là một kết quả ấn tượng của ngành nông nghiệp trong bối cảnh khó khăn chưa từng có do dịch bệnh gây ra.

Nông sản xuất khẩu trong năm 2021 có thể đạt 47 tỷ USD

Nông sản xuất khẩu trong năm 2021 có thể đạt 47 tỷ USD

Ngoài những hạn chế đã lâu như hạ tầng yếu kém, dịch bệnh, xâm nhập mặn, hạ tầng chế biến, kho bãi, trình độ chế biến rất hạn chế; đầu tư cho nông nghiệp cũng rất khiêm tốn thì dịch Covid-19 cũng khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Được biết, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, trong đó, Mỹ mua nhiều đồ gỗ của Việt Nam nhất, trong khi Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn trái cây của Việt Nam.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, để có kết quả như vậy, những ngành chủ lực là trồng trọt đạt tới 19,3 tỷ USD, tăng 13,7% (trong đó, cao su, cà phê, hạt điều, tiêu, lúa gạo, sắn và sản phẩm từ sắn… có những lĩnh vực tăng tới trên 54%. Ngoài ra, lâm nghiệp năm nay cũng vượt mục tiêu đặt ra ngoạn mục.

Đến thời điểm hiện tại, xuất khẩu gỗ và sản phẩm đã đạt 14,3 tỷ USD, chắc chắn đạt trên 15 tỷ USD trong cả năm 2021. Trong khi mục tiêu đặt ra chỉ trên dưới 13 tỷ USD.

Lý giải cho kết quả ngoạn mục của ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, quan trọng nhất là phải nhận định được tình hình.

Thứ hai, trong hoàn cảnh dịch Covid-19 phải đa dạng hoá các hình thức thương mại như thương mại điện tử, trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Việt Nam đang thực hiện 16 FTA thế hệ mới, đây là lợi thế so sánh rất lớn, phải tập trung lực lượng để khai thác.

Thêm đó, sự phối hợp của Bộ NN&PTNT với các Bộ, ngành như Công Thương, GTVT, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… với các địa phương rất chặt chẽ.

Ngoài ra, Bộ tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường với các sản phẩm, đặc biệt là những thị trường có tỷ trọng xuất khẩu cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.