Thủ tướng đối thoại với nông dân: Trăn trở xây dựng thương hiệu nông sản và nỗi lo tín dụng đen ở nông thôn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, nhiều lúc chúng ta chưa nhận thức được giá trị của thương hiệu. Chúng ta phải cùng nhau nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, giá trị của thương hiệu.

Nhiều lúc chúng ta chưa nhận thức được giá trị của thương hiệu

Sáng nay, 29/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp đối thoại với hơn 200 nông dân tiêu biểu, đại diện cho hàng nghìn nông hộ đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp; cùng đại diện các HTX, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong buổi đối thoại sáng nay, các câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của nông dân với Thủ tướng Chính phủ tập trung vào 10 nhóm vấn đề như: Nhóm giải pháp nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch Covid-19, nhất là tình hình giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao (phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y...), ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Nông dân mong muốn Thủ tướng Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo nhằm bình ổn giá cả vật tư nông nghiệp, giúp nông dân yên tâm sản xuất;

Vấn đề đất đai và cơ chế để những người nông dân, hợp tác xã được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, là tình trạng “sốt” đất, trong đó có “sốt” đất nông nghiệp ở các địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi đối thoại với nông dân sáng nay, 29/5

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi đối thoại với nông dân sáng nay, 29/5

Trong đó, nhóm các vấn đề về tín dụng cho nông nghiệp còn khó tiếp cận vô hình chung tạo điều kiện cho tín dụng đen ở nông thôn, và làm sao để xây dựng được thương hiệu cho các nông sản Việt khiến nhiều đại biểu trăn trở.

Nông dân Nguyễn Thị Châm, đến từ xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh đưa vấn đề, đến nay nền nông nghiệp trong nước vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô, chưa có chế biến sâu khiến giá trị thu về thấp. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước, đặc biệt là các HTX, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào chế biến sâu.

Nông dân Nguyễn Thị Châm trăn trở việc xuất khẩu nông sản thô, giá trị thấp

Nông dân Nguyễn Thị Châm trăn trở việc xuất khẩu nông sản thô, giá trị thấp

Trả lời về việc này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tại khu vực nông thôn.

Trong đó có một số giải pháp như trình tự thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp được rà soát, chỉnh sửa rõ ràng, minh bạch và đồng bộ với các Luật nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, thực hiện chính sách…

Làm rõ thêm nội dung hỗ trợ nông dân trong lúc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đang tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông với hàng loạt tuyến cao tốc để giảm chi phí logistics. Đây là quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an tại buổi đối thoại với nông dân sáng 29/5

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an tại buổi đối thoại với nông dân sáng 29/5

Còn về việc xây dựng thương hiệu, Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề này đã được đề cập rất nhiều lần tại nhiều diễn đàn khác nhau.

“Nhiều lúc chúng ta chưa nhận thức được giá trị của thương hiệu. Chúng ta phải cùng nhau nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, giá trị của thương hiệu. Cùng một cái áo mà công nhân Việt Nam may, nhưng gắn mác của các thương hiệu quốc tế vào vào giá trị tăng gấp hàng chục lần. Có thương hiệu rồi, chúng ta phải sản xuất thế nào để sản phẩm đáp ứng được chất lượng, số lượng, đặc biệt là tạo cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế thị trường”- Thủ tướng cho biết.

Cũng theo Thủ tướng, thêm một vấn đề nữa là phải quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu. Như việc nhập khẩu ngô, đậu tương làm thức ăn chăn nuôi, các Bộ ngành phải nghiên cứu tìm giải pháp, điều chỉnh chính sách để phát triển vùng nguyên liệu ngô, đậu tương, từ đó giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Hàng loạt vấn đề "nóng" được nông dân đưa ra tại buổi đối thoại với Thủ tướng sáng 29/5

Hàng loạt vấn đề "nóng" được nông dân đưa ra tại buổi đối thoại với Thủ tướng sáng 29/5

Lo ngại tín dụng đen ở nông thôn khi "nhà nhà khát vốn"

Vấn đề tín dụng đen đặc biệt được nông dân quan tâm, bởi sau đại dịch, nguồn vốn sản xuất gặp khó khăn, trong khi việc tiếp cận vốn từ ngân hàng vào sản xuất nông nghiệp chưa thực sự được khơi thông.

Nông dân Trần Thị Thanh Thoan ở huyện Duy Tiên, Hà Nam bày tỏ, thời gian qua, các ngân hàng đã có nhiều chương trình cho người dân vay vốn phát triển sản xuất. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dân khó tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, khiến nạn tín dụng đen vẫn còn đất để tồn tại.

Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, năm 2017 Ngân hàng Nhà nước cũng đã đi khảo sát thực tế và thấy được rất nhiều câu chuyện đau lòng về tín dụng đen. Từ đó, ngành ngân hàng cũng nhận thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề này, nếu như làm tốt cung ứng vốn sẽ hạn chế được tín dụng đen.

“Cũng từ năm đó (2017), chúng tôi có nhiều chính sách để hạn chế tín dụng đen như chỉ đạo tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; Tạo điều kiện cho vay tiêu dùng phát triển, có sự quản lý chặt để tránh biến tướng…

Kết quả, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng với dư nợ đến cuối tháng 4/2022 đạt trên 2,26 triệu tỷ đồng, chiếm trên 20% dư nợ nền kinh tế, tăng 8,93% so với cuối năm 2021”- ông Tú thông tin.

Cũng theo ông Tú, sau khi cùng Bộ Công an đi khảo sát ở một số nơi vùng sâu, vùng xa thì đã rút ra, muốn hạn chế tín dụng đen, tăng cường tín dụng chính thức thì phía các tổ chức tín dụng phải tăng cường tuyên truyền đến người dân để người dân hiểu được rằng vay vốn chính thức ngân hàng không khó khăn như nhiều người nói và ngại đến ngân hàng.

Hai là, kết hợp với chính quyền cơ sở quản lý người dân để làm sao có điều kiện nắm được nhân thân, cũng như mục đích vay vốn chính đáng chứ không phải vay vốn để lô đề cờ bạc.

Tăng cường 50.000 cán bộ về công an xã

Bổ sung thêm về vấn đề “nóng” này, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong lĩnh vực vay vốn hộ nông dân, một số loại tội phạm đã lợi dụng hình thành đường dây ổ nhóm cho vay nặng lãi- tín dụng đen.

Ngay sau khi phát hiện có tình hình đó ở một số địa phương, Bộ Công an đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan tín dụng đen. Mở nhiều đợt cao điểm rốt ráo phá các ổ nhóm tín dụng đen, bắt và xử lý nhiều đối tượng; Phát hiện đến đâu xử lý đến đó, nếu vụ việc đến mức xử lí hình sự thì thu thập đủ tài liệu để xử lý nghiêm minh. Nhờ đó tín dụng đen giảm dần, góp phần đảm bảo an nin trật tự ở vùng nông thôn.

Hiện nay, Bộ Công an tiếp tục tập trung chỉ đạo công an địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng, địa phương tăng cường tuyên truyền phòng ngừa nắm tình hình để cập nhật kịp thời các hoạt động tinh vi của tội phạm tín dụng đen; tăng cường tham mưu, xây dựng thể chế nhằm tăng cường phòng ngừa loại tội phạm mới này.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đã trình Quốc hội sửa đổi một số điều luật để tăng cường xử lý tội phạm tín dụng đen; tăng cường trên 50.000 cán bộ công an, sĩ quan về làm công an xã, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường quản lý tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao để ngăn chặn ngay từ đầu…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, muốn ngăn chặn tín dụng đen phải có cả sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân, công an. Hiện nay chúng ta đã có cơ sở dữ liệu dân cư, có sự kết nối giữa ngân hàng với công an để ít nhất khi 1 người vay vốn sẽ biết ngay được thân nhân mà không cần phải xác minh nhiều.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị, ngân hàng cần nghiên cứu thêm về vấn để tiếp cận vốn tín chấp vào sản xuất nông nghiệp còn khó khăn; chính quyền địa phương phối hợp với ngân hàng trong việc thẩm định các hồ sơ vay vốn tín chấp; các hộ nông dân cũng phải có dự án, rõ ràng, khả thi, hiệu quả thì ngân hàng sẽ chia sẻ nhiều hơn.