Thủ khoa hướng về biển đảo

ANTĐ - Tìm hiểu về lực lượng Hải quân, về nhiệm vụ của những chiến sỹ ngày đêm canh gác ngoài đảo xa… là những câu hỏi, chủ đề được 112 thủ khoa xuất sắc các học viện, các trường đại học trên địa bàn thành phố  đưa ra tại Tọa đàm “Thủ khoa với biển, đảo Tổ quốc” do Cục Chính trị Hải quân và Thành đoàn Hà Nội tổ chức mới đây.

Đặt niềm tin vào thế hệ trẻ

Thủ khoa hào hứng với vấn đề biển, đảo Tổ quốc

Có thể nói, buổi tọa đàm đã cung cấp, củng cố kiến thức về biển đảo, về chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam cho các thủ khoa xuất sắc vừa tốt nghiệp các trường ĐH, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bí thư Thành đoàn Ngọ Duy Hiểu cho biết, tọa đàm này giúp 112 thủ khoa có cái nhìn tổng thể hơn về biển đảo, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đặc biệt, các em thấy được trách nhiệm của mình với Tổ quốc. 

Đến với buổi toạ đàm là những thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các trường đại học, học viện trên địa bàn TP, cũng như nhiều bạn trẻ khác hôm nay, do có những luồng thông tin trái chiều, có bạn còn hoài nghi về tình yêu nước của mình, băn khoăn về tình yêu nước của thế hệ trẻ ngày nay liệu có còn như trước? Hay, sau khi tốt nghiệp xuất sắc, nhiều thủ khoa sẽ có cơ hội ra nước ngoài học tập, tu nghiệp, giới thiệu về Tổ quốc Việt Nam, về chủ quyền biển, đảo với bạn bè, khi bản thân chưa hiểu rõ, còn dao động trước những luận điệu xuyên tạc, vu khống, không đúng sự thật của các thế lực bên ngoài?

Đại tá Đinh Gia Thật, Phó Chủ nhiệm Chính ủy Quân chủng Hải quân nhận xét và khẳng định, chúng ta chưa bao giờ nghi ngờ về lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bằng chứng, trước các cuộc xâm lăng của thực dân và đế quốc, chúng ta đều giành thắng lợi dù là nước nhỏ, tiềm lực kinh tế yếu. Chưa bao giờ thế và lực của chúng ta lại mạnh mẽ như hiện nay, sức mạnh về tinh thần, sức mạnh của chính nghĩa, đoàn kết và bản lĩnh. Bởi vậy, Đại tá Đinh Gia Thật cũng như thế hệ những người đi trước, đều đặt niềm tin vào thế hệ trẻ và hy vọng, thủ khoa xuất sắc của Thủ đô và cả nước sẽ hướng về Hải quân, tìm hiểu và gia nhập Hải quân bằng nhiệt huyết và trí tuệ của mình, góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của nước nhà. 

Hải quân có cả nước là hậu phương

Lần đầu tiên được tìm hiểu về nhiệm vụ của các chiến sỹ Hải quân, nhiều thủ khoa đã đặt câu hỏi, với những khó khăn, gian khổ, thậm chí có hy sinh mất mát và đặc biệt, thời gian công tác trên đảo, ngoài biển lâu dài, thiếu thốn tình cảm gia đình, người thân, có phút nào yếu lòng, các chiến sỹ có suy nghĩ tạm rời xa quân ngũ, về bên gia đình. Đây là câu hỏi được thủ khoa Đào Ngọc Dũng - thủ khoa xuất sắc 2011của Đại học Mỏ địa chất đưa ra. 

Chia sẻ rất tự nhiên và chân thật, chiến sỹ Nguyễn Huy Luyện, thuộc Hải đội 4, Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 1 cho biết, khó khăn gian khổ luôn đồng hành với nhiệm vụ. Thậm chí, nhiều khi làm nhiệm vụ trên biển có tới 8 ngày mới được tắm 1 lần, bởi không có nước, phải chờ trời mưa xuống. Hay, những ngày giông bão, tầm nhìn xa chưa tới 10m, tất cả chiến sỹ làm nhiệm vụ phải căng mắt để quan sát… “Chúng tôi, các chiến sỹ Hải quân ai cũng có người thân, gia đình và ai cũng muốn về bên người thân, đó là những tình cảm bình thường mà ai cũng có. Nhưng, mỗi người chúng tôi đã xác định, vào quân ngũ, theo nghiệp lính là chấp nhận gian khổ, hy sinh. Người thân cũng hiểu, thông cảm và luôn chia sẻ, động viên. Những người đồng đội đi trước của chúng tôi thậm chí đã hy sinh thân mình để bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc, thì vì lý do gì, chúng tôi không thể vượt qua được những khó khăn như vậy. Hơn nữa, chúng tôi không đơn độc, chúng tôi có đồng đội sát vai nhau, có đồng đội trên khắp các vùng biển, hòn đảo khác của Tổ quốc. Và đặc biệt, có hàng triệu người dân gửi gắm niềm tin, tình cảm”, chiến sỹ Luyện cho biết.