Thu hẹp các hình thức khen thưởng cấp nhà nước chứ không phải không được bổ sung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Về dự thảo Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, cần thu hẹp phạm vi hình thức khen thưởng cấp nhà nước, nhưng không phải không được bổ sung.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Sáng nay, 18-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 7, cho ý kiến về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); xem xét đề nghị của Chính phủ bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV…

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, qua tổ chức kỳ họp bất thường mới đây, đã có thêm bài học quý để kỳ họp "bất thường" trở thành hoạt động "bình thường" của Quốc hội để đáp ứng yêu cầu cấp bách mà đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.

"Đặt tên lần thứ nhất hàm ý có thể có lần 2, lần 3 để xem xét những vấn đề bức xúc, quan trọng hoặc chuyên đề xây dựng luật và pháp lệnh" – Chủ tịch Quốc hội nói.

Sáng cùng ngày, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Đây là dự án luật đầu tiên của Quốc hội khoá XV, đã được trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 và dự kiến Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

Với dự án Luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau gồm: xem xét bổ sung danh hiệu xã tiêu biểu, phường, thị trấn tiêu biểu; bổ sung Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang; xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng, Luật hiện hành chưa có quy định xử lý đối với pháp nhân.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình tại phiên họp
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình tại phiên họp

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, liên quan đề xuất bổ sung “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, tại Kỳ họp thứ 2, có hai loại ý kiến cơ bản là đồng ý và không đồng ý. Có ý kiến đồng ý bổ sung nhưng chỉ áp dụng đối với đối tượng đã tham gia các cuộc kháng chiến.

Trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến góp ý của các chuyên gia, cơ quan, tổ chức có liên quan, Thường trực Uỷ ban Xã hội đề nghị cân nhắc phương án không quy định hình thức khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang như quy định của dự thảo Luật;

Tuy nhiên qua thảo luận, một số đại biểu không đồng tình với quan điểm trên. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị nêu tại Thông báo số 120-TB/TW ngày 18/01/2013 về Đề án đổi mới công tác thi đua - khen thưởng, theo đó cần “giảm bớt các hình thức khen thưởng cấp nhà nước”.

Song Ban Bí thư gần đây cũng có kết luận đồng ý chủ trương tặng thưởng cho Thanh niên xung phong. Vì thế, ông Tùng tán thành với đề xuất quy định tại dự thảo luật nhưng lưu ý cần điều chỉnh về phạm vi và điều kiện…

Góp ý về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là cần thu hẹp phạm vi hình thức khen thưởng cấp nhà nước, chứ không phải không được bổ sung.

Chủ tịch Quốc hội ủng hộ phương án bổ sung hình thức “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho đối tượng có thành tích trong kháng chiến và việc tổ chức khen thưởng “ai rõ trước làm trước, có thể nhiều năm mới xong”.

Phát biểu giải trình tại phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, quan điểm của cơ quan soạn thảo là mong muốn được giữ như đề xuất để trình Quốc hội, còn mức độ ở thời kỳ háng chiến hay thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bà Trà cũng cho rằng đây là vấn đề cần xem xét ở các góc độ vì quy định này có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc.