Thông tư liên tịch: Quy định về việc phối hợp tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Lời Tòa soạn: Ngày 14-10-2020, các Bộ: Công an, Quốc phòng, Y tế, Ngoại giao cùng Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, đã ban hành Thông tư liên tịch số: 02/2020/TTLT-BCA-BQP-BYT-BNG-TANDTC-VKSNDTC Quy định về việc phối hợp tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-12-2020. Báo An ninh Thủ đô Cuối tuần giới thiệu toàn văn nội dung.

Ngày 17-9-2020, TAND tỉnh Bình Thuận đã tuyên án tử hình kẻ sát hại dã man sư thầy trụ trì chùa Quảng Ân (huyện Hàm Tân) và phật tử để cướp tài sản

Ngày 17-9-2020, TAND tỉnh Bình Thuận đã tuyên án tử hình kẻ sát hại dã man sư thầy trụ trì chùa Quảng Ân (huyện Hàm Tân) và phật tử để cướp tài sản

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thi hành án hình sự ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 43/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc;

Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao liên tịch quy định về việc phối hợp tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành án tử hình; tổ chức thực hiện thi hành án tử hình; hoãn thi hành án tử hình; hồ sơ thi hành án tử hình; việc giải quyết cho nhận tử thi, tro cốt, hài cốt, mai táng người đã bị thi hành án tử hình và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư liên tịch này áp dụng đối với các cơ quan: Công an, Quân đội, Y tế, Ngoại giao, Tòa án, Viện kiểm sát trong tổ chức thực hiện việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức thực hiện thi hành án tử hình và người bị thi hành án tử hình.

Điều 3. Nguyên tắc thi hành án tử hình

1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và các quy định về thi hành án hình sự; bảo đảm yêu cầu chính trị, pháp luật, đối ngoại và chính sách nhân đạo của Nhà nước trong thi hành án tử hình.

2. Bảo đảm an toàn, chặt chẽ, đúng pháp luật.

3. Bảo đảm sự chỉ đạo, chỉ huy tập trung, thống nhất của Hội đồng thi hành án tử hình; thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị đã được pháp luật quy định.

4. Việc thi hành án tử hình phải được thực hiện tại địa điểm thi hành án tử hình theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Kinh phí thi hành án tử hình

1. Kinh phí mua thuốc tiêm phục vụ cho thi hành án tử hình và bảo đảm cho thi hành án tử hình do ngân sách nhà nước cấp trong dự toán ngân sách hằng năm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp tỉnh), cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương (sau đây gọi chung là cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm chi trả bồi dưỡng cho những người tham gia thi hành án tử hình theo quy định tại Điều 3 và chi phí mai táng quy định tại Điều 7 của Nghị định số 43/2020/NĐ-CP ngày 8 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc (sau đây gọi chung là Nghị định số 43/2020/NĐ-CP) và chi phí khác phục vụ công tác thi hành án tử hình.

Chương II

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VIỆC THI HÀNH ÁN TỬ HÌNH

Điều 5. Ra quyết định thi hành án tử hình

1. Sau khi kiểm tra hồ sơ của người bị kết án tử hình gồm các tài liệu quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 80 của Luật Thi hành án hình sự, xác định người bị kết án không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và không thuộc trường hợp đang bị điều tra, truy tố, xét xử về một tội phạm khác thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm phải ra quyết định thi hành án tử hình theo quy định tại Điều 77 của Luật Thi hành án hình sự.

2. Trường hợp trong một vụ án có nhiều người bị kết án tử hình thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền phải ra quyết định thi hành án tử hình đối với từng người bị kết án tử hình trong vụ án đó.

Trường hợp một người bị kết án tử hình nhiều lần do các Tòa án khác nhau tuyên án, thì Chánh án Tòa án xét xử sơ thẩm lần cuối cùng đã tuyên án tử hình có trách nhiệm ra quyết định thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình đó.

Điều 6. Xây dựng kế hoạch thi hành án tử hình

1. Ngay sau khi ra quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình, Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình phân công cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu xây dựng kế hoạch thi hành án tử hình. Kế hoạch thi hành án tử hình bao gồm các nội dung chính sau đây:

a) Tình hình có liên quan đến việc tổ chức thi hành án tử hình;

b) Mục đích, yêu cầu;

c) Phân công nhiệm vụ cho các thành viên của Hội đồng thi hành án tử hình;

d) Thời gian, địa điểm tổ chức thi hành án tử hình;

đ) Dự trù kinh phí thi hành án tử hình, các điều kiện cần thiết khác bảo đảm cho việc thi hành án;

e) Tổ chức thực hiện việc thi hành án tử hình.

2. Kế hoạch thi hành án tử hình phải được gửi ngay cho các thành viên Hội đồng thi hành án tử hình.

Điều 7. Phiên họp của Hội đồng thi hành án tử hình

1. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình, Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình phải tổ chức họp Hội đồng. Địa điểm, thời gian họp Hội đồng thi hành án tử hình do Chủ tịch Hội đồng quyết định và chủ trì cuộc họp.

2. Các thành viên Hội đồng thi hành án tử hình phải tham gia phiên họp của Hội đồng để thống nhất nội dung kế hoạch.

3. Tại phiên họp, Hội đồng thi hành án tử hình quyết định kế hoạch thi hành án tử hình.

Điều 8. Triển khai việc thi hành án tử hình

1. Căn cứ vào kế hoạch thi hành án tử hình của Hội đồng thi hành án tử hình, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm lập kế hoạch triển khai việc thi hành án tử hình, phân công, bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết để bảo đảm cho việc thi hành án tử hình.

2. Phân công cán bộ chuyên môn thực hiện việc thi hành án tử hình:

a) Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phân công cán bộ thi hành án xác định tĩnh mạch; bác sỹ pháp y của Công an cấp tỉnh, đơn vị Quân đội cấp quân khu bộc lộ tĩnh mạch của người bị thi hành án tử hình trong trường hợp không xác định được tĩnh mạch;

b) Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án tử hình cử bác sỹ của bệnh viện trực thuộc đến địa điểm thi hành án để hướng dẫn cán bộ thi hành án bộc lộ tĩnh mạch trong trường hợp cần thiết.

3. Trường hợp người bị thi hành án tử hình là phụ nữ thì ngay sau khi nhận đủ hồ sơ để đưa bản án tử hình ra thi hành, Hội đồng thi hành án tử hình phải yêu cầu Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu ra lệnh trích xuất người bị kết án tử hình đến bệnh viện thuộc Sở Y tế hoặc bệnh viện cấp quân khu, nơi đang giam giữ người bị kết án tử hình để kiểm tra, xác định xem người bị kết án tử hình có thai hay không. Việc kiểm tra phải được lập thành văn bản và có xác nhận của bệnh viện nơi tiến hành kiểm tra, xác định.

Điều 9. Hoãn thi hành án tử hình

1. Việc hoãn thi hành án tử hình theo quy định tại Điều 81 của Luật Thi hành án hình sự.

2. Hội đồng thi hành án tử hình quyết định hoãn thi hành án tử hình theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 81 của Luật Thi hành án hình sự trong các trường hợp sau:

a) Trường hợp gặp thiên tai, hỏa hoạn hoặc có trở ngại khách quan khác không thể thực hiện được việc thi hành án tử hình hoặc trên đường áp giải người bị thi hành án tử hình bị tai nạn phải đưa đến bệnh viện;

b) Trang thiết bị, dụng cụ thi hành án tử hình bị hư hỏng; không xác định được tĩnh mạch; thuốc thi hành án tử hình không đúng chủng loại, chất lượng, số lượng hoặc các điều kiện khác bảo đảm cho việc thi hành án tử hình không đáp ứng được.

Điều 10. Hồ sơ thi hành án tử hình

1. Hồ sơ thi hành án tử hình gồm các tài liệu sau:

a) Trường hợp bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, hồ sơ gồm các tài liệu theo quy định tại các điểm c, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n, o và p khoản 1 Điều 80 của Luật Thi hành án hình sự và các tài liệu:

- Bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật;

- Biên bản hoãn thi hành án tử hình (trường hợp hoãn);

- Thông báo của Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án tử hình cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình để làm đơn xin nhận tử thi, tro cốt của người bị thi hành án tử hình;

- Thông báo của Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án tử hình cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan khác được Bộ Ngoại giao ủy quyền để đề nghị cơ quan đại diện của nước mà người bị thi hành án tử hình mang quốc tịch liên hệ với thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người nước ngoài bị thi hành án tử hình biết để làm đơn nhận tử thi, tro cốt trong trường hợp người bị thi hành án tử hình là người nước ngoài;

- Thông báo của Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án tử hình cho người có đơn xin nhận tử thi, tro cốt về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận cho nhận tử thi, tro cốt người bị thi hành án tử hình;

- Thông báo của Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án tử hình cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận cho nhận tử thi, tro cốt người bị thi hành án tử hình;

- Thông báo của Hội đồng thi hành án tử hình về việc không cho nhận tử thi;

- Thông báo của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu cho người có đơn đề nghị đến nhận tử thi của người đã bị thi hành án tử hình về mai táng;

- Biên bản giao, nhận tử thi của người đã bị thi hành án tử hình.

b) Trường hợp bản án sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (gồm trường hợp có kháng cáo, kháng nghị về hình phạt tử hình và trường hợp có kháng cáo, kháng nghị về các quyết định khác của bản án sơ thẩm), hồ sơ gồm các tài liệu quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và bản án phúc thẩm;

c) Trường hợp bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nhưng có quyết định kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hồ sơ gồm các tài liệu quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm hoặc tái thẩm Tòa án nhân dân tối cao không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình, trừ tài liệu quy định tại điểm c khoản 1 Điều 80 của Luật Thi hành án hình sự;

d) Trường hợp bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nhưng bản án phúc thẩm vẫn giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm; có quyết định kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, hồ sơ gồm các tài liệu quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm, quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm hoặc tái thẩm Tòa án nhân dân tối cao không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình, trừ tài liệu quy định tại điểm c khoản 1 Điều 80 của Luật Thi hành án hình sự;

đ) Trường hợp có yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hồ sơ gồm các tài liệu quy định tại điểm d khoản 1 Điều này và các tài liệu:

- Văn bản yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;

- Văn bản thông báo của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc không nhất trí với kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc nhất trí với kết quả xem xét kiến nghị, đề nghị của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (trong trường hợp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định về việc không nhất trí kết quả của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao);

- Văn bản thông báo của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc nhất trí với kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc không chấp nhận yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và giữ nguyên quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (trong trường hợp Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét lại quyết định của mình).

2. Việc lập, quản lý, lưu giữ, bảo quản hồ sơ thi hành án tử hình thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 80 của Luật Thi hành án hình sự.

Điều 11. Biên bản thi hành án tử hình

1. Thư ký Hội đồng thi hành án tử hình có trách nhiệm lập biên bản ghi lại toàn bộ các diễn biến của việc thi hành án tử hình.

2. Biên bản thi hành án tử hình phải bảo đảm các nội dung sau đây:

Biên bản phải ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm thi hành án tử hình, nơi lập biên bản; những việc đã làm theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định, tình hình, diễn biến trong khi thi hành án tử hình.

Biên bản phải được đọc cho Hội đồng thi hành án tử hình và những người chứng kiến nghe. Các thành viên Hội đồng thi hành án tử hình và người chứng kiến phải cùng ký vào biên bản, nếu có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên.

Điều 12. Trường hợp người bị thi hành án tử hình chết trước khi đưa ra thi hành án tử hình

1. Trong thời gian giam giữ chờ thi hành án tử hình đối với trường hợp đã có quyết định thi hành án tử hình, quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình, người bị thi hành án tử hình chết trước khi đưa ra thi hành án tử hình thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án tử hình hoặc Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình phải thông báo ngay cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền để xác định nguyên nhân chết. Sau khi tiến hành xong các thủ tục xác định nguyên nhân chết và được phép của cơ quan có thẩm quyền, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án tử hình hoặc Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình giao cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi Tòa án ra quyết định thi hành án tử hình có trách nhiệm thông báo cho người có đơn đề nghị đến nhận tử thi người bị thi hành án tử hình về mai táng hoặc tổ chức mai táng.

2. Trường hợp người bị thi hành án tử hình chết trên đường áp giải đến địa điểm thi hành án tử hình, Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình phải thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi có địa điểm thi hành án tử hình biết, đồng thời thông báo cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền nơi người bị thi hành án tử hình chết để tiến hành làm các thủ tục theo quy định của pháp luật. Sau khi tiến hành xong các thủ tục xác định nguyên nhân chết và được phép của cơ quan có thẩm quyền, Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình giao cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi Tòa án ra quyết định thi hành án tử hình có trách nhiệm thông báo cho người có đơn đề nghị đến nhận tử thi người bị thi hành án tử hình về mai táng hoặc tổ chức mai táng.

3. Chi phí mai táng người bị thi hành án tử hình chết trước khi đưa ra thi hành án tử hình thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 43/2020/NĐ-CP.

Chương III

THỦ TỤC CHO NHẬN TỬ THI, TRO CỐT, HÀI CỐT VÀ MAI TÁNG NGƯỜI ĐÃ BỊ THI HÀNH ÁN TỬ HÌNH

Điều 13. Việc làm đơn xin nhận tử thi, tro cốt và hài cốt

1. Đơn xin nhận tử thi, tro cốt, hài cốt được thực hiện theo các mẫu số 01, 02 và 03 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

2. Trường hợp người bị thi hành án tử hình là người Việt Nam thì việc thông báo làm đơn xin nhận tử thi, tro cốt thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 83 của Luật Thi hành án hình sự.

3. Trường hợp người bị thi hành án tử hình là người nước ngoài thì Chánh án Tòa án ra quyết định thi hành án thông báo bằng văn bản cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan khác được Bộ Ngoại giao ủy quyền để đề nghị cơ quan đại diện của nước mà người bị thi hành án tử hình mang quốc tịch liên hệ với thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người nước ngoài bị thi hành án tử hình biết để làm đơn xin nhận tử thi, tro cốt. Thông báo nêu rõ nhân thân, nơi quản lý giam giữ người bị thi hành án tử hình, địa chỉ liên lạc, các tài liệu liên quan và ấn định thời hạn trả lời. Sau khi Chánh án Tòa án đã ra thông báo mà không nhận được đơn xin nhận tử thi, tro cốt của thân nhân, người đại diện hợp pháp hoặc văn bản trả lời của cơ quan đại diện của nước mà người bị thi hành án tử hình mang quốc tịch thì coi như thân nhân, người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình từ chối nhận tử thi, tro cốt.

Điều 14. Giải quyết việc cho nhận tử thi, tro cốt, hài cốt và mai táng người đã bị thi hành án tử hình

1. Việc giải quyết cho nhận tử thi, tro cốt, hài cốt và mai táng người đã bị thi hành án tử hình thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 83 của Luật Thi hành án hình sự. Không tổ chức việc giao nhận tử thi, tro cốt, hài cốt của người đã bị thi hành án tử hình vào ban đêm (từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau).

2. Việc tổ chức mai táng người đã bị thi hành án tử hình phải đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường, an ninh, trật tự của địa phương và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm tổ chức mai táng người bị thi hành án tử hình phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mai táng để chỉ định nghĩa trang hoặc địa điểm nơi mai táng người đã bị thi hành án tử hình. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mai táng phải gửi văn bản thông báo về địa điểm nơi mai táng người đã bị thi hành án tử hình cho cơ quan thi hành án hình sự đã ra thông báo.

4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải thông báo địa điểm mai táng cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người đã bị thi hành án biết, trường hợp người bị thi hành án tử hình là người nước ngoài thì thông báo cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan khác được Bộ Ngoại giao ủy quyền biết. Đồng thời bàn giao đầy đủ giấy tờ, đồ vật, tài sản, tiền của người đã thi hành án tử hình (nếu có), việc giao nhận phải được lập biên bản theo quy định.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN TRONG VIỆC THI HÀNH ÁN TỬ HÌNH

Điều 15. Trách nhiệm của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh

1. Thực hiện theo quy định tại Điều 9 của Nghị định số 43/2020/NĐ-CP.

2. Phối hợp với trại tạm giam nơi giam giữ người bị thi hành án tử hình thực hiện theo quy định tại Điều 11 của Nghị định số 43/2020/NĐ-CP.

3. Đề nghị Phòng Hồ sơ cử cán bộ lăn tay, đối chiếu với danh bản, chỉ bản xác định đúng người bị thi hành án tử hình trước khi thi hành án tử hình.

4. Đề nghị Phòng Kỹ thuật hình sự chụp ảnh, ghi âm lời nói của người bị thi hành án tử hình để gửi lại thân nhân của người đã bị thi hành án tử hình và cử bác sỹ pháp y làm nhiệm vụ theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình.

5. Đề nghị Phòng Hậu cần chuẩn bị phương tiện, kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ công tác thi hành án tử hình, thanh toán chế độ cho Đội Thi hành án tử hình và những người tham gia thi hành án tử hình theo quy định.

6. Chỉ đạo Công an cấp huyện nơi tổ chức thi hành án tử hình bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp thực hiện việc thi hành án tử hình.

7. Xây dựng kế hoạch, phương án, phân công nhiệm vụ cho các lực lượng tham gia thi hành án tử hình và tổ chức thi hành án tử hình; làm thủ tục khai tử tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi thi hành án.

8. Báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh tăng cường lực lượng chức năng hỗ trợ công tác thi hành án tử hình trong trường hợp cần thiết.

Điều 16. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu

1. Thực hiện theo quy định tại các Điều 21, 77, 78 và 83 của Luật Thi hành án hình sự.

2. Triển khai theo kế hoạch thi hành án tử hình đã ban hành.

3. Cử cán bộ, công chức của Tòa án là Thư ký giúp Hội đồng thi hành án tử hình.

4. Phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu và Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan khác được Bộ Ngoại giao ủy quyền trong việc tổ chức thi hành án tử hình.

Điều 17. Trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu

1. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu trong việc ra quyết định thi hành án tử hình và thực hiện theo quy định tại Điều 78 của Luật Thi hành án hình sự.

2. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu về việc giải quyết các thủ tục liên quan đến cho nhận hoặc không cho nhận tử thi, tro cốt, hài cốt của người đã bị thi hành án tử hình.

3. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng thi hành án tử hình về trình tự, thủ tục trong quá trình thi hành án tử hình, hoãn thi hành án tử hình; kiểm sát hoạt động thi hành án tử hình của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu và cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thi hành án tử hình theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Trách nhiệm của cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu

1. Thực hiện theo quy định tại Điều 13 của Nghị định số 43/2020/NĐ-CP.

2. Phối hợp với trại tạm giam nơi giam giữ người bị thi hành án tử hình thực hiện theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 43/2020/NĐ-CP.

3. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền cử cán bộ nghiệp vụ lăn tay đối chiếu với danh bản, chỉ bản xác định đúng người chấp hành án tử hình, trước khi thi hành án tử hình; chụp ảnh, ghi âm lời nói của người bị thi hành án tử hình gửi lại cho thân nhân của người bị thi hành án tử hình.

4. Làm thủ tục đề nghị Viện pháp y Quân đội cử bác sỹ pháp y làm nhiệm vụ theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình.

5. Lập kế hoạch cụ thể để huy động và phân công nhiệm vụ cho lực lượng tham gia, bảo đảm phương tiện, kinh phí, cơ sở vật chất, trang bị vũ khí, thông tin liên lạc và các điều kiện cần thiết khác để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện; thanh toán các chế độ cho cán bộ, chiến sĩ tham gia thi hành án tử hình; làm thủ tục khai tử tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi thi hành án.

6. Báo cáo Tư lệnh cấp quân khu, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng về tăng cường lực lượng hỗ trợ công tác thi hành án tử hình trong trường hợp cần thiết và kết quả thi hành án tử hình.

Điều 19. Trách nhiệm của cơ quan y tế

1. Cục Y tế Bộ Công an; Cục Quân y Bộ Quốc phòng có trách nhiệm lập kế hoạch dự trù thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình hằng năm.

2. Bộ Y tế có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 17 của Nghị định số 43/2020/NĐ-CP.

3. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 17 của Nghị định số 43/2020/NĐ-CP và chỉ đạo cơ quan chuyên môn cấp giấy chứng nhận kiểm dịch y tế đối với tử thi (thi thể), tro cốt, hài cốt người đã bị thi hành án tử hình.

Điều 20. Trách nhiệm của cơ quan ngoại giao

1. Đơn vị chức năng thuộc Bộ Ngoại giao có trách nhiệm tiếp nhận và trả lời đề nghị của Tòa án cấp tỉnh về việc thông báo cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người nước ngoài bị thi hành án tử hình về quyền xin nhận tử thi, tro cốt của người bị thi hành án tử hình.

2. Thông báo cho cơ quan đại diện của nước mà người bị thi hành án tử hình mang quốc tịch để liên hệ với thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người nước ngoài bị thi hành án tử hình về quyền xin nhận tử thi, tro cốt của người bị thi hành án tử hình.

3. Phối hợp với Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu và cơ quan đại diện của nước mà người bị thi hành án tử hình mang quốc tịch trong việc hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết các thủ tục liên quan đến thi hành án tử hình, cho nhận tử thi, tro cốt, hài cốt đối với người nước ngoài.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2020.

2. Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BCA-BQP-BYT-TANDTC-VKSNDTC ngày 06 tháng 6 năm 2013 giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực.

Điều 22. Trách nhiệm thi hành

1. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư liên tịch này.

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để có hướng dẫn kịp thời./.