Thông tin tiếp về Dự án khu A Công viên Yên Sở: Những lý giải “kỳ quặc”

ANTĐ - Báo An ninh Thủ đô đã có loạt bài phản ánh về những nghi vấn đầy mâu thuẫn trong việc UBND phường Thịnh Liệt, UBND quận Hoàng Mai yêu cầu 11 xã viên và HTX Bình Minh đóng trên địa bàn phải rời khỏi khu đất mà họ đã được sử dụng từ năm 1986 mà không nhận được một sự đền bù nào. Mới đây, phóng viên ANTĐ tiếp tục tìm hiểu và nhận ra rằng, để giải quyết sự việc này có một sự thật hiển nhiên đã tồn tại nhưng lại bị các cơ quan này cố tình lờ tịt…

Thông tin tiếp về Dự án khu A Công viên Yên Sở: Những lý giải “kỳ quặc”  ảnh 1

Những dãy nhà của xã viên HTX Bình Minh sẽ bị thu hồi, không đền bù

Đá bóng sang… dự án

Để có cơ sở thu hồi toàn bộ phần đất mà các xã viên và HTX Bình Minh đang sử dụng từ năm 1986, con “át chủ bài” mà UBND phường Thịnh Liệt và quận Hoàng Mai thường xuyên đưa ra là đất này đã “bàn giao cho BQL Dự án thoát nước Hà Nội theo biên bản từ năm 1998”.

Trong buổi làm việc gần đây với phóng viên ANTĐ, ông Nguyễn Ngọc Hải - Chủ tịch UBND phường Thịnh Liệt, cho biết: “Việc thu hồi và đền bù đã quá lâu, thế nên hồ sơ lưu trữ hiện tại phường không quản lý. Chúng tôi chỉ căn cứ vào những tài liệu của địa phương để ra thông báo về việc thu hồi nói trên. Nếu các anh cần, có thể sang hỏi BQL Dự án thoát nước Hà Nội mà tìm hiểu”. Đối với câu hỏi: “Nếu thực sự phần đất của các hộ xã viên và HTX Bình Minh đã được thu hồi từ năm 1998 cho QBL Dự án thoát nước Hà Nội, vậy tại sao đến năm 2008 khi làm đường vành đai 3 các hộ này lại tiếp tục nhận được đền bù và tái định cư?”. Ông Hải cho rằng: “Việc của chúng tôi bàn giao đất cho BQL Dự án thoát nước Hà Nội là xong. Khi dự án đường vành đai 3 của PMU Thăng Long triển khai, có thể họ đã nhận bàn giao lại hồ sơ từ BQL Dự án thoát nước Hà Nội. Mọi việc sau đó đền bù, hỗ trợ thế nào là do PMU Thăng Long chi trả, chúng tôi không nắm được”.

Để làm sáng tỏ câu chuyện này, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó giám đốc BQL Dự án thoát nước Hà Nội. Ông Hùng cho biết: Việc đền bù, hỗ trợ cho người dân bị lấy đất khi triển khai Dự án thoát nước Hà Nội năm 1998, chúng tôi tiến hành đúng thủ tục. Nhưng danh sách được UBND xã Thịnh Liệt cung cấp lúc đó chỉ có 56 hộ xã viên của HTX Đồng Thịnh. Tuyệt đối không hề có bất cứ tên nào của xã viên và bản thân HTX Bình Minh. Để chứng minh điều mình nói, ông Hùng cung cấp cho phóng viên tất cả quyết định phê duyệt phương án đền bù, Bản trả tiền đền bù, Biên bản bàn giao đưa công trình vào sử dụng… và quả nhiên những gì ông Hùng nói là hoàn toàn chính xác.

Còn ông Phạm Thanh Bình - Phó tổng giám đốc PMU Thăng Long cho biết, trong quá trình triển khai dự án đường vành đai 3, khi thu hồi 50% đất của xã viên và HTX Bình Minh, thành phố đã cho họ được hưởng chế độ đền bù và mua nhà tái định cư. Thậm chí cả những trường hợp nhà, đất do mua bán chuyển nhượng hay giao đất trái thẩm quyền cũng được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định. Đến năm 2008, thành phố tái khẳng định cách giải quyết này bằng văn bản về tái định cư cho các hộ dân do HTX Bình Minh giao đất trái thẩm quyền. Đây chính là những cách giải quyết hết sức hợp lý, hợp tình của cấp lãnh đạo thành phố.

Che trước hở sau

Như vậy, đến lúc này có thể khẳng định, việc UBND phường Thịnh Liệt và UBND quận Hoàng Mai khăng khăng quan điểm: 11 xã viên và HTX Bình Minh đã bàn giao đất cho BQL Dự án thoát nước Hà Nội theo biên bản từ năm 1998 là không hề có cơ sở. Củng cố thêm cho nhận định này, phóng viên An ninh Thủ đô đã thu thập được một văn bản của chính UBND phường Thịnh Liệt mang số 35/BC-UBND do đích thân ông Nguyễn Ngọc Hải ký báo cáo UBND quận Hoàng Mai trong đó nêu rõ: “Diện tích thực hiện GPMB Dự án thoát nước: 10.727m2 (gồm 57 phương án và chưa có diện tích đất của HTX Vận tải Sở Thượng (tên gọi cũ của HTX Bình Minh-PV). Diện tích thực hiện GPMB đường vành đai 3 là: 13 hộ = 442,2m2 (thuộc phần diện tích HTX vận tải Sở Thượng sử dụng 919m2 - thuộc thửa đất số 119, tờ bản đồ F48-116-42-CI). Diện tích còn lại của thửa đất 119 là 476,8m2”. 

Với văn bản này, chính UBND phường Thịnh Liệt, UBND quận Hoàng Mai cũng đã thừa biết, HTX Bình Minh (tức HTX Vận tải Sở Thượng) chưa bao giờ bàn giao đất cho Dự án thoát nước Hà Nội. UBND phường, quận cũng biết rõ ràng, sau khi dự án đường vành đai 3 triển khai lấy đi 50% đất của họ thì đã có 13 hộ xã viên của HTX Bình Minh được đền bù, tái định cư và bản thân HTX Bình Minh cùng 11 xã viên vẫn đang ở trên một nửa còn lại của mảnh đất ấy. 

So sánh Dự án khu A công viên Yên Sở bây giờ với Dự án vành đai 3 cách đây 4 năm, có thể nói với các xã viên và HTX Bình Minh những gì mà họ được nhận là một trời, một vực. Việc đòi quyền lợi chính đáng với những hộ dân này quả là quá gian nan khi đã có tới 7 lần gửi đơn khiếu nại, kêu cứu tới hầu hết các cơ quan chức năng của quận nhưng đều bị… “một đi không trở lại”. Một bài toán có thể có nhiều cách giải, nhưng đáp số đúng thì chỉ có một. Đáp số ấy đã được các lãnh đạo thành phố chỉ ra từ cách đây 4 năm.