Thông tin thêm vụ giả danh tướng quân đội lừa đảo 1.000 người

ANTD.VN - Như ANTĐ đã đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra – CATP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố tạm giam 5 bị can về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" gồm Hoa Hữu Long (SN 1964), trú ở quận Bắc Từ Liêm, Nguyễn Minh Sơn (SN 1971), trú tại quận Cầu Giấy, Mạc Phúc Hải (SN 1964), trú tại quận Ba Đình, Cao Thị Kim Loan (vợ Long, SN 1970), trú tại quận Bắc Từ Liêm và Phùng Thị Thanh Huế (SN 1978), trú  tại quận Nam Từ Liêm.

Hoa Hữu Long cùng các đối tượng đã sử dụng các quyết định mạo danh Bộ Quốc phòng để tạo niềm tin về việc Bộ đang thành lập Tập đoàn Đông Dương (phiên hiệu S10). Sau đó các đối tượng thực hiện việc thu tiền, hồ sơ của những người có nhu cầu xin việc nhằm thu lời bất chính hàng chục tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại cơ quan công an phát hiện các đối tượng đã tuyển khoảng 1.000 người ở nhiều địa bàn trên cả nước. Ngoài ra, các đối tượng còn lập hồ sơ giả mạo và thu tiền bất chính của các doanh nghiệp tham gia thầu dự án.

 Không viết giấy biên nhận khi giao tiền vì quá tin vào siêu lừa

Trao đổi với Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội, được biết, sau khi báo chí đăng tải thông tin về đối tượng Hoa Hữu Long lừa đảo, đã có hàng chục bị hại đến trụ sở để trình báo về việc đã từng nộp tiền cho đường dây của Long để được tuyển dụng vào Tập đoàn Đông Dương (S10) và có  nhiều bị hại khác ở các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh đã liên lạc qua số điện thoại với Cơ quan ANĐT để được hướng dẫn giải quyết thông tin liên quan đến vụ án.  

Vợ chồng Hoa Hữu Long

Đa số những người bị lừa đều đến Cơ quan ANĐT trình báo mà không xuất trình được bất kỳ giấy tờ biên nhận nào đã giao tiền cho "chân rết" của Hoa Hữu Long. Họ cho biết, do số tiền bỏ ra từ 50 triệu đồng đến 150 triệu đồng là không quá lớn, trong khi đổi lại được tuyển dụng sỹ quan trong lực lượng quân đội nên đã chấp nhận thỏa thuận và không nghĩ đến việc yêu cầu người nhận tiền phải viết giấy biên nhận khi giao tiền.

Đáng chú ý thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng liên quan đến vụ án Hoa Hữu Long giả danh Thiếu tướng Quân đội là khá tinh vi nên đến khi vụ việc bị phát giác, đã có nhiều người bất ngờ vì biết mình bị lừa. Thậm chí có nhiều người còn không tin mình đã bị lừa, họ vẫn cho rằng những thông tin về việc Bộ Quốc phòng chủ trương thành lập Tập đoàn Đông Dương là có thật. 

Khi các đối tượng trong đường dây của Hoa Hữu Long tiếp xúc với các bị hại đều đã đưa ra những công văn, điện mật giả của Bộ Quốc phòng về chủ trương thành lập Tập đoàn Đông Dương, thậm chí đến quyết định giả mạo việc “phong quân hàm cấp tướng của Chủ tịch nước cho Thiếu tướng Hoa Hữu Long” cũng được các đối tượng làm giả, chụp lại bằng điện thoại, rồi mở ra cho họ xem nên số người này đã hoàn toàn tin tưởng.

Họ còn được dặn dò, đây là một đơn vị bí mật của quân đội, đang tuyển dụng người nên không được công khai cho ai biết”. Vì những lời lẽ đó, đến nay, vẫn còn một số người tin rằng S10 vẫn tồn tại, vì đó là một đơn vị bí mật chứ không phải bị lừa đảo.

Qua khám xét tại nơi ở của Long và các đồng phạm, Cơ quan Công an còn thu giữ gần 1.000 bộ hồ sơ xin việc của các bị hại, 12 bản công văn có dấu đỏ giả mạo quyết định của Bộ Quốc phòng và các cơ quan Đảng, Nhà nước; cùng hàng trăm bản phô tô “điện mật đi” của Bộ Quốc phòng liên quan đến việc chỉ đạo tổ chức thành lập S10 do Long tự tạo ra.

Cục Bảo vệ An ninh Quân đội xác định không có Thiếu tướng, Đại tá nào trong lực lượng quân đội có tên và ảnh như các bị hại trình báo về Hoa Hữu Long. Đồng thời xác định, không có đối tượng nào trong vụ án liên quan đến lực lượng Quân đội và Bộ Quốc phòng không có chủ trương thành lập Tập đoàn Đông Dương - S10. 

Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, Cục Bảo vệ An ninh Quân đội đã chuyển hồ sơ đến CATP Hà Nội để điều tra, làm rõ. Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo, giao cho Phòng An ninh kinh tế và cơ quan An ninh điều tra lập chuyên án đấu tranh, làm rõ các đối tượng lừa đảo.

Trong vụ án này, các đồng phạm khác gồm Nguyễn Minh Sơn, Mạc Phúc Hải, Cao Thị Kim Loan, Phùng Thị Thanh Huế đều có vai trò của mình. 

Thân thế “Thiếu tướng”

Theo trình báo của anh Đinh Anh T, trú tại Hà Nội, cuối năm 2015, thông qua quan hệ bạn bè làm trong ngành xây dựng, anh T đã biết Hoa Hữu Long. Long tự giới thiệu mình là Thiếu tướng Quân đội và còn cho anh T xem quyết định “thăng cấp hàm Thiếu tướng” của mình qua ảnh chụp trong điện thoại di động. 

Long khoe về các mối quan hệ với nhiều quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng, đồng thời nói với anh T về việc Bộ Quốc phòng có chủ trương cổ phần hóa một số đơn vị, thành lập mô hình hiệp quân.  Long được giao tổ chức thành lập một đơn vị kinh tế có tên Tập đoàn Đông Dương (S10), Long là Tư lệnh tập đoàn này.  

Thông tin thêm vụ giả danh tướng quân đội lừa đảo 1.000 người ảnh 2

Các đối tượng tham gia đường dây lừa đảo của Hoa Hữu Long

Long mời anh T tham gia vào tập đoàn này. Anh T đã đồng ý mà không một chút nghi ngờ. Anh T đã 3 lần chuyển tiền cho Long, 1 lần chuyển tiền vào tài khoản của Cao Thị Kim Loan (là vợ của Long), 1 lần giao tiền trực tiếp cho Nguyễn Minh Sơn. 

Đối với người có tên là Sơn, được giới thiệu là Phó Tư lệnh Tập đoàn S10, anh T đã được Sơn nhiều lần bật điện thoại cho xem công văn, giấy tờ liên quan đến việc thành lập Tập đoàn S10. Anh T ngỏ ý muốn chụp lại các công văn, giấy tờ đó nhưng Sơn đều từ chối, nói “đây là tài liệu mật, không được thông tin rộng rãi”. Mãi đến tháng 7-2017, qua các mối quan hệ khác, anh T tìm hiểu thì mới ngã ngửa khi biết, Long không phải là Thiếu tướng của Quân đội và Bộ Quốc phòng không có chủ trương thành lập Tập đoàn S10 nào cả.

Một diễn biến liên quan đến vụ án này, vào khoảng tháng 10-2017, Công an huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đã phát đi một thông báo cảnh báo đến nhân dân trên địa bàn huyện với nội dung, gần đây nổi lên thủ đoạn có một nhóm đối tượng câu kết với nhau đưa ra các thông tin Bộ Quốc phòng có chủ trương “thay máu” các doanh nghiệp của Quân đội trên toàn quốc, sáp nhập một số công ty, ngân hàng của Quân đội thành Tập đoàn Đông Dương (gọi tắt S10). 

Tập đoàn này có 9 tổng công ty, hiện nay tổng công ty đang có nhu cầu tuyển hàng nghìn người để bổ sung nhân lực, nếu người nào có nhu cầu thì đăng ký và phải bỏ ra từ 150 - 600 triệu đồng, sau đó sẽ được phong quân hàm sỹ quan, thấp nhất là thượng úy, cao nhất là đại tá, được bổ nhiệm chức vụ tương xứng. 

Những người được tuyển vào phải khám sức khỏe tại Bệnh viện 108, được kết nạp Đảng. Riêng bảo hiểm xã hội thì không được chuyển từ ngành ngoài vào nên mỗi người phải nộp từ 7 - 10 triệu đồng để tập đoàn hợp thức hóa và sẽ được đi tập huấn tại Miếu Môn.

Sau khi nhận được đơn trình báo của một số bị hại, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng xác minh, khẳng định Bộ Quốc phòng không có doanh nghiệp nào mang tên Tập đoàn Đông Dương hoặc S10. 

Tiến hành điều tra, xác minh ban đầu, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã xác định có đối tượng Phạm Quang Thắng (SN 1976), quê quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, hiện đang trú tại khu tập thể Bưu điện ở ngõ Đỗ Quang, Khâm Thiên, Hà Nội, là người có liên quan đến nhóm đối tượng này. 

Ngay cả anh em họ hàng của Thắng cũng đã có người tin lời đối tượng, đem tiền ra Hà Nội để xin cho con em vào Tập đoàn Đông Dương.

Hiện, cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội đang tích cực phối hợp điều tra mở rộng, làm rõ một số hành vi đồng phạm của nhiều đối tượng khác trong vụ án này. Đặc biệt là đối tượng đã “giật dây” cho Long và các đồng phạm thực hiện hành vi lừa đảo nêu trên.