Thống nhất áp giá trần với sách giáo khoa, không đưa thịt lợn vào hàng bình ổn giá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quốc hội đã chốt phương án áp giá trần với sách giáo khoa, vé máy bay, nhưng không áp giá sàn với sách giáo khoa, đồng thời không đưa mặt hàng thịt lợn vào danh mục bình ổn giá…
Quốc hội "chốt" áp giá trần nhưng không áp giá sàn với sách giáo khoa

Quốc hội "chốt" áp giá trần nhưng không áp giá sàn với sách giáo khoa

Chiều 19-6, với 459/476 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 96,36%), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Giá (sửa đổi). Luật này gồm 8 chương, 75 điều, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự án Luật Giá (sửa đổi) trước khi các ĐBQH Quốc hội bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, một số ĐBQH nêu thịt lợn là mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cơ bản lớn trong đời sống của người dân nên cần đưa vào danh mục bình ổn giá.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, hiện nay, tỷ lệ sử dụng thịt lợn trong cơ cấu bữa ăn của các gia đình có xu hướng giảm trong thời gian gần đầy, chỉ ở mức 40-45% (trước đây chiếm 65-70%). Việc áp dụng bình ổn giá đồng nghĩa với việc phải kê khai giá và khó khả thi khi có rất nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Bên cạnh đó, giá thịt lợn biến động từng ngày nên các cá nhân kinh doanh cơ bản sẽ khó thực hiện quy định kê khai giá như Dự thảo Luật quy định.

UBTVQH cũng đề nghị không bổ sung mặt hàng “sữa dành cho người cao tuổi” vào danh mục hàng hóa bình ổn giá bởi hiện nay mặt hàng này có tính chất như một thực phẩm chức năng. Xét về mức độ biến động giá, phạm vi ảnh hưởng, tác động thì mặt hàng sữa đối với người cao tuổi không lớn so với mặt hàng sữa dành cho trẻ em.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh báo cáo trước Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh báo cáo trước Quốc hội

Về quy định giá trần với vé máy bay và sách giáo khoa, ông Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến ĐBQH tán thành với đề nghị của Chính phủ là Nhà nước định giá tối đa (giá trần) để đảm bảo lợi ích nhân dân.

Theo UBTVQH, việc áp giá trần với vé hàng không là công cụ quản lý nhà nước về giá nhằm bảo đảm trách nhiệm của Nhà nước trong ổn định thị trường, giữ được cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

UBTVQH cũng nêu rõ, sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, đối tượng tiêu dùng rất lớn, có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, giá mặt hàng này tác động trực tiếp đến số đông người dân, trong đó có người thu nhập thấp.

Hiện nay, trong phương pháp tính giá sách giáo khoa, các nhà xuất bản cộng cả chi phí phát hành sách, mức chiết khấu rất cao. Năm học 2022-2023, mức chiết khấu đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35% giá bìa. Từ đó, giá sách bị đẩy lên cao so với thu nhập của nhiều người dân.

Do đó, “cần thiết phải có công cụ kiểm soát để bảo đảm không tác động tiêu cực người dân” – ông Lê Quang Mạnh báo cáo.

Tuy vậy, UBTVQH đề nghị không quy định giá sàn với sách giáo khoa. Lý do, theo UBTVQH, sách giáo khoa là mặt hàng đặc thù, đối tượng tiêu dùng mang tính bắt buộc, trong đó có cả đối tượng yếu thế.

“Nếu quy định giá sàn, các đơn vị phát hành sách không thể bán cho người dân với giá thấp hơn giá sàn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, nhất là người có thu nhập thấp” - ông Lê Quang Mạnh nêu.