Thoát vụ hiếp dâm, giám đốc doanh nghiệp lại vướng vào vụ án mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tạo dựng hợp đồng mua bán dầu diezen khống, Văn Anh dễ dàng có được 18 hóa đơn trôi nổi tương ứng với số tiền hơn 12,7 tỷ đồng và qua đó chiếm đoạt hơn 1,1 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng...

Ngày 28-3, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm và đã quyết định tuyên phạt Lê Văn Anh (SN 1975, ở xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Trốn thuế" với thời gian thử thách 5 năm. Về hình phạt bổ sung, bị cáo được miễn do khó khăn về kinh tế.

Điều đáng nói là năm 2013, Lê Văn Anh từng bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội "Hiếp dâm", theo quy định tại Điều 111 - Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, đến tháng 8 cùng năm này, cơ quan tố tụng đã phải quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Văn Anh do bị hại rút đơn tố cáo.

Lê Văn Anh bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Lê Văn Anh bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Trở lại vụ án này, theo cáo trạng tru tố, Lê Văn Anh thành lập Công ty TNHH Kinh doanh thương mại và dịch vụ Tuấn Anh (gọi tắt là Công ty Tuấn Anh) từ năm 2008 với số vốn chiếm 97,99%, ngành nghề chính là vận tải hàng hóa, hành khách đường thủy nội địa, vận tải hàng hóa bằng đường bộ, xây dựng công trình, bán buôn vật liệu xây dựng…

Trong khi ấy, đối tượng Nguyễn Văn Việt thuê người làm thủ tục thành lập Công ty Thu Hường (địa chỉ ở quận Ngô Quyền, Hải Phòng) do bà Nguyễn Thị Hường làm đại diện pháp luật, kiêm giám đốc từ tháng 6-2013. Việc thành lập Công ty Thu Hường nhằm mục đích bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng nên công ty này không hề có hoạt động mua bán hàng hóa gì.

Việt thuê người nộp tiền, chuyển khoản, rút tiền để hợp thức các giao dịch bán hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty Thu Hường. Việc bán hóa đơn trái phép được thực hiện qua nhiều trung gian. Mỗi lần bán hóa đơn, Việt được nhận từ 1-1,2% số tiền ghi trong hóa đơn.

Năm 2015, Lê Văn Anh muốn kê khai tăng giá trị hàng hóa đầu vào của Công ty Tuấn Anh để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng, giảm số tiền thuế phải nộp nhằm mục đích trốn thuế.

Thực hiện tội phạm, Văn Anh giao cho cháu họ mua hóa đơn khống của Công ty Thu Hường thông qua hợp đồng mua bán dầu Diezen giả tạo. Khi Công ty Thu Hường xuất hóa đơn, để đảm bảo theo quy định về việc thanh toán tiền mua hàng qua tài khoản ngân hàng, Văn Anh đã ký khống 13 ủy nhiệm chi chuyển tiền, tương ứng với tiền hàng ghi trong 18 hóa đơn giá trị gia tăng.

Việt nhận ủy nhiệm chi của Công ty Tuấn Anh rồi đưa tiền mặt cho nhân viên để nộp tiền vào tài khoản Công ty Tuấn Anh số tiền gần 15 tỷ đồng. Sau đó lại sử dụng ủy nhiệm chi của Công ty Tuấn Anh để chuyển tiền về tài khoản của Công ty Thu Hường và Việt lại rút tiền mặt ra.

Với cách thức “chuyển tiền tay phải qua tay trái”, Việt bán 18 hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty Tuấn Anh. Tổng số 18 hóa đơn mà Công ty Thu Hường xuất cho Công ty Tuấn Anh ghi số tiền hơn 12,7 tỷ đồng.

Văn Anh chỉ đạo kế toán sử dụng các hóa đơn này để kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng tại kỳ thuế tháng 5,6,12 năm 2015 và tháng 1,2,3 năm 2016. Công ty Tuấn Anh sau đó được khấu trừ hơn 1,1 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng.

Năm 2018, Cục thuế TP Hà Nội thanh tra kiểm tra thuế Công ty Tuấn Anh và phát hiện việc doanh nghiệp này sử dụng 18 hóa đơn của Công ty Thu Hường. Biết thông tin từ cục thuế nhưng Văn Anh không nộp lại tiền thuế được khấu trừ cho ngân sách Nhà nước.

Bị cáo cũng không xuất trình hóa đơn, chứng từ cho cơ quan thuế và còn tiêu hủy toàn bộ số hóa đơn, chứng từ liên quan đến Công ty Thu Hường nhằm chống đối, gây khó khăn cho việc thanh tra thuế. Kết quả điều tra thể hiện, 18 hóa đơn của Công ty Thu Hường xuất cho Công ty Tuấn Anh là bất hợp pháp.

Sau khi có kết quả giám định của Cục thuế Hà Nội, cơ quan điều tra đã bắt giam Văn Anh. Tại cơ quan điều tra, Văn Anh khai nhận việc mua 18 hóa đơn của Công ty Thu Hường nhằm bù vào số hàng hóa là dầu diezen mua trôi nổi trên thị trường.

Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 6-2013 đến tháng 3-2017, Việt đã mua lại 2 công ty, trong đó có Công ty Thu Hường và thuê người thành lập thêm 1 công ty để thực hiện mua bán trái phép hóa đơn cho nhiều doanh nghiệp.

Việt đã bán trái phép 8.097 hóa đơn giá trị gia tăng bất hợp pháp, ghi khống số tiền hàng hóa dịch vụ lên hên 1.434 tỷ đồng. Năm 2019, Việt bị phạt 30 tháng tù về tội "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước".

Theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự, hành vi trốn thuế là sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phá sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ…

Hành vi trốn thuế với số tiền 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 1,5 tỷ đồng - 4,5 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm - 7 năm. Và do người thân của Lê Văn Anh đã tự nguyện khắc phục toàn bộ số tiền trốn thuế nên bị cáo này được áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ và được hưởng án treo.