Thoát khỏi vòng xoáy

ANTĐ - Năm 2012, nhiều nhà kinh tế có chung nhận định là tình hình kinh tế thế giới sẽ xấu hơn năm 2011. Trong viễn cảnh màu xám đó, nước ta lại bị đánh giá là dễ bị “tổn thương” nhất trong nhóm năm nền kinh tế đang lên ở khu vực Đông Nam Á. Một nghiên cứu mới đây của HSBC về rủi ro lan truyền trong trường hợp xảy ra một cuộc suy thoái “kép” trên thế giới, cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn bởi những vướng mắc mang tính hệ thống và cấu trúc nội tại chưa được tháo gỡ.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã “chốt” lạm phát năm 2011 ở mức 18,12% so với năm trước, tăng trưởng GDP ước đạt 5,9%, đều là những con số không mong đợi so với mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, đây là nỗ lực hết sức trong sự điều hành của toàn hệ thống. Đằng sau con số thống kê khô khan ấy là bức tranh sống động của cuộc sống. Giới doanh nghiệp chật vật với “cơn sốt” ngừng sản xuất, đóng cửa, thậm chí phá sản. Không ít doanh nghiệp nợ lương người lao động đến mức phải trả lương bằng sản phẩm ứ đọng, tồn kho. Khi lạm phát leo lên đến đỉnh cao, tất yếu đời sống của người làm công ăn lương, cán bộ, công chức, nhất là người thu nhập thấp sẽ lao đao với giá điện, giá xăng, lương thực, thực phẩm, đi lại, thuốc men, học hành.

Lâu lắm rồi, vấn đề tiền lương tối thiểu lại được mang ra thảo luận sôi nổi với mục tiêu khá khiêm tốn là tăng lương để đuổi kịp lạm phát nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu. Trong những luồng ý kiến bàn về lương, cơ quan quản lý nhà nước từng lên tiếng phê phán giới doanh nghiệp cả trong nước lẫn doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng lương tối thiểu để ép người lao động, trong khi nó chỉ là cơ sở để tính thu nhập thực tế phải trả. Từ những cuộc tranh luận về tiền lương đã đưa ra những cam kết “Năm 2012 công chức sẽ sống được bằng lương tối thiểu” hoặc “Năm 2012 lương sẽ đảm bảo cho công chức có tích lũy”.

Đã có hàng loạt đề án, đề xuất mức lương, thang lương cho mọi đối tượng từ người lao động trong các doanh nghiệp thuộc các vùng, khu vực cho tới giới công chức. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát vừa được Bộ Nội vụ tiến hành cho thấy, hiện nay 98% công chức không sống được bằng lương. Điều này dẫn đến một tình trạng đáng báo động là hội chứng “tước đoạt để bù đắp”, tức là sách nhiễu, vòi vĩnh, ăn hối lộ, tham ô, tham nhũng, khai thác triệt để ưu thế đặc quyền, đặc lợi. Theo một điều tra mới về mức sống năm 2010 ở nước ta, chênh lệch thu nhập bình quân một người một tháng trong nhóm hộ giàu nhất gấp gần 9,2 lần nhóm hộ nghèo nhất. Thu nhập bình quân đầu người chỉ là 1,387 triệu đồng/tháng.

Sự giàu lên hay nghèo đi của một nhóm người nào đó, suy cho cùng đều có nguyên nhân từ những được - mất lẫn nhau. Kinh tế thị trường luôn đi kèm với cơ hội kinh tế cho mọi người, trong đó có người thành công và có người không. Điều đáng quan tâm, không phải là có một khoảng cách tồn tại giữa những tầng lớp thu nhập khác nhau, mà là khoảng cách ấy được tạo ra như thế nào.

Một năm đối mặt với vòng xoáy giá - lương - tiền chưa khép lại. Giàu nghèo là chuyện nan giải của mọi xã hội. Không thể có chuyện cào bằng lương, thu nhập của mọi người, song người dân hoàn toàn có thể chấp nhận khoảng cách giàu nghèo khi nó không tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội.