Thở dài với phí và lệ phí

ANTĐ - Câu chuyện phí và lệ phí, những khoản thu không biết từ đâu, do ai, cho ai đang đè nặng lên vai người dân là câu chuyện dài. Hàng trăm ý kiến, bức xúc cũng có, thở dài cũng có, nhưng hầu hết đều chấp nhận. Ngay tại diễn đàn Quốc hội, thảo luận về Dự luật phí và lệ phí, nhiều Đại biểu Quốc hội cũng không thể hiểu nổi, tại sao lại lắm loại phí và lệ phí như vậy? 
Thở dài với phí và lệ phí ảnh 1

Vậy phí và lệ phí là gì? Theo đúng Pháp lệnh 38/2001/PL-UBTVQH10 về phí và lệ phí: Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong danh mục các loại Phí ban hành kèm theo Pháp lệnh. Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được các cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức được ủy quyền phục vụ công việc quản lý Nhà nước được quy định trong danh mục lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh. Như vậy, phí và lệ phí là khoản tiền nộp khi được hưởng dịch vụ hoặc phục vụ công việc quản lý Nhà nước. Dễ hiểu quá. Anh hưởng dịch vụ thì phải trả tiền. Vậy có gì bức xúc? 

Nhưng lại có bức xúc. Đó là bức xúc khi dịch vụ thì quá dở, hoặc không có dịch vụ nhưng vẫn phải nộp phí, bức xúc hưởng một dịch vụ mà nộp đến mấy loại phí. Còn lệ phí thì quái đản, có những khoản lệ phí mà nghe xong, người dân thấy ngất ngư, kiểu như “lệ phí hoa hồng chữ ký” chẳng hạn. 

Một rừng những khoản thu

Pháp lệnh Phí và Lệ phí đã ban hành danh mục phí gồm 73 loại phí, danh mục lệ phí gồm 43 loại lệ phí. Từ danh mục các loại phí và lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh, Chính phủ quy định cụ thể chi tiết thành 301 khoản phí, lệ phí, trong đó có 171 khoản phí và 130 khoản lệ phí. Trong đó đã quy định rõ ràng cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với từng khoản phí, lệ phí cụ thể. Đó là chưa kể, bằng sự cố gắng, Chính phủ đã rà soát, bãi bỏ 340 loại  phí và lệ phí không hợp lý. Lạy trời, chỉ mới nghe con số, nhiều Đại biểu Quốc hội đã đau hết đầu. Nhưng chưa hết. Chính Bộ Tài chính đã thừa nhận, còn rất nhiều các khoản thu không hề có trong danh mục phí và lệ phí nhưng vẫn được gọi là phí và lệ phí đang được các địa phương tích cực thu. 

Ngày 11-4, tại phiên giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện Pháp lệnh Phí và lệ phí, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong quá trình thực hiện Nghị định 24/NĐ-CP của Chính phủ, có một số địa phương huy động một số khoản thu không có tên trong danh mục phí lệ phí, nhưng vẫn sử dụng tên gọi là phí và lệ phí, gây bức xúc trong dư luận. Ví dụ, như các khoản thu xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài quy định, đường giao thông, trường học, trung tâm y tế; các khoản thu mang tính xã hội từ thiện như đóng góp quỹ khuyến học, từ thiện tại địa phương. Hay khi Chính phủ miễn thu các khoản phí an ninh trật tự, phí phòng chống thiên tai, nhưng khi thu các loại quỹ trên, một số địa phương vẫn gọi là phí lệ phí, gây hiểu nhầm.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, thực tế cho thấy khi phát sinh một số khoản thu nộp, nhiều người cho rằng đó là phí và lệ phí nhưng thực chất đây là những khoản đóng góp tự nguyện. Hay các khoản thu là giá dịch vụ nhưng tổ chức, cá nhân thu các khoản thu này lại cho rằng là phí và lệ phí như phí dịch vụ chung cư; phí liên quan đến vận chuyển container, phí bến bãi ra vào khu công nghiệp… “Đây là các khoản thu theo cơ chế giá gọi là giá dịch vụ và hoàn toàn không phải là phí và lệ phí thuộc ngân sách Nhà nước”, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định. 

Rõ ràng đã có một sự bất hợp lý trong các khoản thu phí và lệ phí. Các cấp chính quyền và các đại diện cơ sở đang hàng ngày hàng tháng thu hàng trăm các khoản khác nhau và người dân rất khó phân biệt cái nào là phí, cái nào là lệ phí cái nào là phải thu, cái nào là tình nguyện nộp, cái nào vào ngân sách, khoản nào chi cho các cơ quan tổ chức…

Cần sớm luật hóa việc thu phí và lệ phí

Việc thu phí và lệ phí cũng đã tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Thông qua phí và lệ phí, năm 2012, ngân sách thu được 29.112 tỉ đồng (bằng 3,9% tổng thu); năm 2013 là 31.271 tỉ đồng (bằng 3,8% tổng thu) và năm 2014 là 33.271 tỉ đồng (bằng 3,99% tổng thu). Đó là nguồn lực không nhỏ góp phần đổi mới các đơn vị sự nghiệp và đổi mới phát triển xã hội. Chính vì vậy, dư luận đặc biệt quan tâm tới Dự luật Phí và Lệ phí trình Quốc hội trong kỳ họp này. Tuy nhiên, ngay khi dự thảo được công bố, mặc dù đã có nhiều điểm tiến bộ hơn Pháp lệnh về Phí và Lệ phí 38/2001/UBTVQH10, nhưng vẫn không nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội. 

Mặc dù dự thảo Luật Phí và Lệ phí đã bỏ một số loại phí và lệ phí ra khỏi danh mục nhưng thảo luận về dự thảo luật này, đại biểu Quốc hội vẫn chỉ ra được những khoản thu bi, hài và phàn nàn về sự “thập diện mai phục” của các loại phí để tận thu tiền của dân. Có thể thấy, mặc dù dân đã đóng thuế để bộ máy hành chính hoạt động nhưng cái gì Nhà nước làm cũng bắt dân phải trả tiền. Việc thu nhiều khoản phí vô lý sẽ tạo ra bộ máy cồng kềnh, tăng biên chế, sách nhiễu, rất phiền phức cho dân.

Danh mục Phí và Lệ phí trong Dự thảo Luật Phí và Lệ phí trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 này, thì chỉ còn tổng cộng 90 loại phí và lệ phí, gồm 39 loại phí và 51 loại lệ phí, nhưng nếu không quy định cụ thể, chi tiết ngay trong luật, thì số lượng phí và lệ phí chắc chắn không dừng lại ở con số 90. Đó chính là kinh nghiệm khi thi hành Pháp lệnh về Phí và Lệ phí 38/2001/UBTVQH10. Tình trạng phụ thu, lạm bổ tạo gánh nặng đóng góp cho người dân sẽ khó tránh khỏi. 

 Thực tế ở Quốc hội hầu hết các nước trên thế giới, người ta ban hành cụ thể từng khoản, mức cụ thể và người dân chỉ nhìn vào đó để nộp, nếu Luật không quy định cụ thể, đặc biệt là thẩm quyền của Quốc hội, để kiểm soát vấn đề này thì rất có thể lại rơi vào tình trạng như trước đây là người dân oằn mình cõng phí và Quốc hội từng phải bãi bỏ tới 374 khoản thu không hợp lý. Một vấn đề cũng được dư luận quan tâm là phí và lệ phí được thu và sử dụng như thế nào. Đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, toàn bộ số lệ phí thu được phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

 Mức thu lệ phí được ấn định trước đối với từng công việc, không nhằm mục đích bù đắp chi phí. Tổ chức thu lệ phí là cơ quan hành chính Nhà nước, thực hiện công việc do Nhà nước giao và được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, nên không được quyền giữ lại bất cứ đồng lệ phí nào để sử dụng vào bất cứ công việc gì. Đối với khoản phí do cơ quan hành chính Nhà nước thu cũng vậy, phải nộp 100% vào ngân sách Nhà nước, vì nếu để lại theo tỷ lệ phần trăm nào đó tính trên số phí thu được sẽ dẫn tới thiếu công bằng, vì có địa phương thu được nhiều, có địa phương thu được ít; lĩnh vực này thu được nhiều, lĩnh vực khác thu được ít. Còn đối với khoản phí do đơn vị sự nghiệp công lập thu, thì nên trích lại một phần theo tỷ lệ phần trăm trên tổng số tiền phí thu được hàng năm cho cơ quan thu phí để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ.

Mặc dù còn quá nhiều vấn đề phải đau đầu như dù đã đóng phí bảo trì đường bộ nhưng đi đâu cũng phải đóng phí cầu đường, chỉ trên tuyến QL1A từ TP.HCM ra đến Hà Nội đã và sẽ có tới 17 trạm thu phí cầu đường, có những đoạn cầu, hầm chưa hề có mà đã chặn đường thu phí kiểu trạm thu phí hầm Đèo Cả chẳng hạn, nhưng vấn đề quan trọng hơn cả hiện nay chính là công tác truyền thông để người dân hiểu và chỉ đóng các loại phí, lệ phí có trong danh mục được quy định trong luật.

Do đó, như Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phí và lệ phí để người dân biết và thực hiện; Thường xuyên theo dõi chặt chẽ theo thẩm quyền để kịp thời phát hiện chấn chỉnh các sai sót; Thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền và phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành thanh kiểm tra theo chức năng nhiệm vụ được giao; Hàng năm có công văn yêu cầu các địa phương thực hiện Chỉ thị 24/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu thường xuyên rà soát bãi bỏ các khoản phí lệ phí không đúng quy định và báo cáo tình hình thực hiện để Bộ Tài chính chỉ đạo và kiến nghị Chính phủ…