Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, dân kêu phí chồng phí là có cơ sở. Thu phí BOT quá nhiều gây tâm lý ức chế cho nhân dân. Quy định 70km có một trạm thu phí, nhưng thực tế khi làm lại dày đặc. Đến khi dân kêu thì lại giải thích chưa hợp lý khiến dân không đồng tình.
Đại biểu một số địa phương phản ánh, các tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT mọc lên rất nhiều nên người dân sống trong vùng phải gánh thêm phí qua trạm trong khi họ đã nộp phí bảo trì đường bộ. Vì vậy, nhiều đại biểu đề nghị Bộ Tài chính rà soát phí bảo trì đường bộ với xe máy, nếu không còn phù hợp nữa thì nên bỏ. Luật phải bao quát, cần giao quyền cho địa phương cân nhắc thu hoặc không thu phí và lệ phí, thu ở mức nào. Đó là ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi bày tỏ băn khoăn về việc tờ trình của Chính phủ chưa nêu được đầy đủ danh mục phí và lệ phí. Danh mục mới chỉ là danh mục khung, đằng sau mỗi tên phí, lệ phí ấy lại là một số các khoản thu, mức thu. Ở các nước, Quốc hội ban hành cụ thể từng khoản và mức thu, người dân chỉ nhìn vào đó để nộp.
Một Ủy viên Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, nếu lần này không quy định cụ thể, nhất là thẩm quyền của Quốc hội để kiểm soát vấn đề này thì rất có thể lại rơi vào tình trạng như trước đây là người dân phải oằn mình “cõng” phí và Quốc hội phải bãi bỏ tới 374 khoản thu không hợp lý. Đồng tình việc chuyển một số loại phí về y tế, giáo dục thành giá dịch vụ, một số ý kiến cho rằng, phải tính như thế nào để bảo đảm cân đối ngân sách và thu nhập của người dân.
Luật phí và lệ phí tác động rất lớn đến người dân nên cần phải lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi. Ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí cho rằng, điều quan trọng nhất là phải rà soát kỹ, đánh giá xem những khoản phí, lệ phí nào không còn phù hợp, những khoản nào thu không đủ chi thì nên bãi bỏ. Yêu cầu của người dân là không phải oằn mình cõng phí, nhất là không phải nộp phí oan.