Thiếu giáo viên trầm trọng vì học sinh tăng nhưng ngành giáo dục vẫn bị áp 10% tinh giản biên chế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thực tế khiến ngành giáo dục gặp khó khăn là tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ và việc tăng nhanh số lượng học sinh nhưng vẫn phải thực hiện tinh giản giáo viên.
Cả nước hiện còn thiếu gần 95.000 giáo viên mầm non và phổ thông

Cả nước hiện còn thiếu gần 95.000 giáo viên mầm non và phổ thông

Ngày 25/2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, cả nước hiện có 1.190.443 giáo viên mầm non đến phổ thông. Trong đó giáo viên thuộc biên chế là 1.059.729 và giáo viên hợp đồng trong các trường công lập là 48.662.

Căn cứ quy định về định mức số giáo viên/lớp, số lượng giáo viên của các cấp học mầm non, phổ thông, ngành Giáo dục thừa khoảng 10.000 giáo viên và thiếu khoảng 94.700 giáo viên. Trong đó thiếu 48.718 giáo viên mầm non, 20.210 giáo viên tiểu học, 14.653 giáo viên trung học cơ sở, 11.133 giáo viên trung học phổ thông.

Theo đó, Bộ GD-ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ GD-ĐT giao bổ sung số biên chế giáo viên còn thiếu cho ngành Giáo dục theo lộ trình từ năm 2021 đến năm 2026.

Đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có ý kiến với Chính phủ về phương án tinh giản biên chế phù hợp đối với ngành Giáo dục; các địa phương không tinh giản biên chế đối với cấp học mầm non, tiểu học vì chưa bố trí đủ giáo viên theo định mức nhưng vẫn yêu cầu giảm 10% biên chế dẫn đến thiếu nhiều giáo viên đứng lớp, trong bối cảnh tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ngày càng cao và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trước mắt, khi chưa giao đủ biên chế, Bộ GD-ĐT đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tính toán, bố trí ngân sách cho các địa phương khó khăn chưa cân đối được ngân sách để thực hiện hợp đồng lao động giáo viên cho số biên chế chưa giao bổ sung, nhằm bổ sung kịp thời số lượng giáo viên còn thiếu trong trường hợp không được giao bổ sung biên chế.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành các trường phổ thông nhiều cấp học phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể; chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao.