Thi và tuyển sinh 2010: Một số điểm chưa thống nhất

(ANTĐ) - Sáng 9-1, hơn 1.000 đại diện các trường ĐH, CĐ, TCCN và Sở GD-ĐT các tỉnh thành phố đã cùng tham góp ý kiến về những điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2010 tại 6 đầu cầu trên cả nước.

Thi và tuyển sinh 2010: Một số điểm chưa thống nhất

(ANTĐ) - Sáng 9-1, hơn 1.000 đại diện các trường ĐH, CĐ, TCCN và Sở GD-ĐT các tỉnh thành phố đã cùng tham góp ý kiến về những điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2010 tại 6 đầu cầu trên cả nước.

Chưa quyết định môn ngoại ngữ có bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010
Chưa quyết định môn ngoại ngữ có bắt buộc trong kỳ thi
tốt nghiệp THPT 2010

Nhiều ý kiến phản biện tập trung về vấn đề bỏ không coi môn Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc trong kỳ thi TN THPT và việc nộp trực tiếp hồ sơ đăng ký xét tuyển tại trường. Trước các ý kiến này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Bộ sẽ tiếp thu và thảo luận ngay trong ngày 10-1 giữa các đơn vị liên quan của Bộ để sớm có thông báo chính thức về những thay đổi của kỳ thi và tuyển sinh năm nay.

Trình độ ngoại ngữ đi xuống nếu không bắt buộc thi

Đây là mối lo chung của hầu hết các Sở GD-ĐT trước phương hướng thi tốt nghiệp THPT 2010 vừa được Bộ GD-ĐT công bố rằng môn ngoại ngữ sẽ không được coi là môn thi bắt buộc trong số 6 môn thi tốt nghiệp như những năm trước đây. Ông Huỳnh Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho rằng việc bắt buộc thi môn ngoại ngữ như trước đây tác động rất tích cực đến quá trình dạy và học môn này trong các năm học phổ thông.

Đồng thời, Chính phủ hiện đang khuyến khích nâng cao trình độ ngoại ngữ của người dân với đề án dạy ngoại ngữ từ 2008-2020 để cải thiện năng lực ngoại ngữ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước. Theo ông Huỳnh Văn Hoa, nếu Bộ GD-ĐT đưa ra quyết định trên thì sẽ đi ngược lại với những chủ trương này.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hợi, Giám đốc ĐH Vinh, kiểm tra đầu vào đối với tân sinh viên của trường hàng năm cho thấy chỉ có khoảng 30% sinh viên đáp ứng được yêu cầu học môn ngoại ngữ năm thứ I, còn lại 70% sinh viên bắt buộc phải học bổ sung trước khi theo học được chương trình này.

“Cá biệt có những trường hợp hết năm thứ nhất, sinh viên vẫn chưa thể theo kịp trình độ khởi đầu để học ngoại ngữ tại trường”- ông Nguyễn Ngọc Hợi cho biết. Đây cũng là lý do, ông Hợi lo ngại về chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ ở bậc phổ thông sẽ giảm sút nếu không bắt buộc phải thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Nảy sinh tiêu cực nếu nộp trực tiếp hồ sơ ĐKXT tại trường

Một trong những điểm dự kiến đổi mới trong kỳ tuyển sinh ĐH năm nay là tạo điều kiện cho thí sinh trong quá trình nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT). Thay vì chỉ được nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc ưu tiên chuyển phát nhanh thì năm nay, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ cho thí sinh nộp trực tiếp tại trường. Mặc dù quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự xét tuyển nhưng không phải trường đại học nào cũng nhất trí.

Đại diện trường ĐH Lao động xã hội cho rằng việc thí sinh có thể nộp trực tiếp hồ sơ tại trường là phù hợp bởi nhiều phụ huynh và thí sinh muốn đến tìm hiểu hoạt động, cơ sở vật chất thực tế của nhà trường xong thì muốn nộp hồ sơ ngay nhưng lại phải quay về bởi quy định trường chỉ được nhận hồ sơ qua đường bưu điện. Hiệu trưởng trường này còn đưa ra vấn đề lệ phí ĐKXT của nhà trường khi chuyển qua bưu điện rất khó thanh toán bởi thí sinh không được gửi tiền kèm theo hồ sơ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Vu, Phó hiệu trưởng trường ĐH Tây Nguyên thì cho biết, kinh nghiệm làm tuyển sinh nhiều năm cho thấy, việc nộp hồ sơ trực tiếp tại trường phát sinh nhiều tình huống “tế nhị”, tốt nhất là vẫn chỉ nên chuyển qua đường bưu điện. Đồng ý với ý kiến này, ông Tạ Quang Hiển, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng chính vì có vấn đề tiêu cực nên Bộ GD-ĐT đã ngăn chặn bằng cách yêu cầu thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển NV2, NV3 qua đường bưu điện.

Thuận lợi cho thí sinh làm mục tiêu chính

Trước các ý kiến về dự kiến đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển giải thích, việc đưa ngoại ngữ là môn thi bắt buộc trước đây là nhằm khuyến khích các địa phương cùng tích cực triển khai dạy ngoại ngữ trong trường phổ thông. Nay phần lớn các trường đã thực hiện dạy ngoại ngữ nhưng do điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau, nên việc giảng dạy ở bộ môn này không đồng đều, thậm chí có nơi chưa đạt điều kiện tối thiểu nên nếu tiếp tục bắt buộc thi ngoại ngữ sẽ không công bằng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, đề án nâng cao năng lực dạy và học ngoại ngữ trong trường học vẫn được tiếp tục triển khai và khi đã tạo được mặt bằng đồng đều về đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất thì sẽ lại áp dụng việc bắt buộc thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Còn về việc nộp hồ sơ ĐKXT trực tiếp tại trường, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, nhiều trường hợp thí sinh ở ngay gần trường hoặc đến trực tiếp trường đăng ký dự thi rồi lại phải quay về để nộp hồ sơ qua bưu điện là không tạo điều kiện cho thí sinh.

Mặc dù, có khả năng xảy ra tiêu cực, nhưng theo Thứ trưởng Phạm Vũ Luận, việc tạo thuận lợi cho thí sinh trong quá trình dự thi, tuyển sinh là ưu tiên hàng đầu. “Hơn nữa, để khắc phục những tiêu cực phát sinh, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục có những hướng dẫn về khâu kỹ thuật tiếp nhận hồ sơ”

Kết luận về các ý kiến đóng góp cho kỳ thi và tuyển sinh 2010, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục thảo luận. Trong đó, về việc bỏ hay không môn ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, Phó Thủ tướng cho rằng sẽ xem xét theo hướng mở rộng những địa phương chưa đủ điều kiện dạy và học ngoại ngữ để có thể thi môn thay thế. “Dự kiến trước Tết dương lịch các phương án về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH sẽ được công bố chính thức cho phụ huynh học sinh cả nước”.

Vinh Hương